Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10520
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn lao động: Chưa có dấu hiệu giảm
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (ATLĐ), Bộ LĐ-TB&XH, năm 2009, cả nước xảy ra 6.250 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 7,09% so với năm 2008, làm 6.421 người bị nạn, trong đó có 507 vụ làm 550 người chết, 1.221 người bị thương nặng. Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ vẫn tập trung ở các ngành khai thác đá, điện, xây dựng.


 
Người lao động cần được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để bảo đảm an toàn khi làm việc. Ảnh: Minh Hồng
 
Hiện nay, công tác điều tra nguyên nhân các vụ TNLĐ, đặc biệt là các vụ tai nạn chết người, vẫn còn rất chậm. Năm 2009 cả nước xảy ra 507 vụ TNLĐ chết người nhưng đến hết tháng 2-2010, Cục ATLĐ mới nhận được 235 biên bản điều tra.
 
Theo các kết quả điều tra thì lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông đứng đầu với 51,11% tổng số vụ TNLĐ chết người, sau đó đến khai thác khoáng sản. Các yếu tố gây nhiều TNLĐ chết người liên quan đến giàn giáo (chiếm 24,44%), đến bơm điện (chiếm 8,15% và 7,75% vụ chết người). Theo thống kê thì có tới hơn 30% có nguyên nhân do NLĐ không chấp hành các quy định về ATLĐ, 60% số vụ TNLĐ có nguyên nhân từ phía người sử dụng lao động không thực hiện các quy định về trang thiết bị bảo hộ; không kiểm định các thiết bị lao động và huấn luyện về vệ sinh ATLĐ cho NLĐ.
 
TNLĐ không giảm nhưng số liệu thống kê của 36/63 tỉnh báo cáo tình hình ATVSLĐ rất thấp, thậm chí còn thấp hơn so với những năm trước. Năm 2009, chỉ có khoảng 2,42% số doanh nghiệp báo cáo, trong khi đó năm 2007 là 10%, năm 2008 là 6,34%, do vậy đã gây nhiều khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ. Nhiều vụ TNLĐ liên tiếp xảy ra tại một công trình như tòa nhà Keangnam (Hà Nội), công trường khai thác đá ở núi Ràm, Đông Sơn, Thanh Hóa. Trong khi đó nhiều vụ TNLĐ xảy ra trong khai thác khoáng sản của tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở của dân chưa được điều tra, thống kê báo cáo. Theo bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục ATLĐ, Bộ LĐ-TB&XH thì tình trạng đó có nhiều nguyên nhân. Trước hết, lực lượng thanh tra lao động còn quá mỏng, trong khi đó nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện xây dựng chương trình quốc gia về lĩnh vực này hoặc có những địa phương chỉ xây dựng để "đối phó". Vẫn còn một số địa phương báo cáo không đúng mẫu, báo cáo không khớp giữa các cột mục hoặc chỉ báo cáo tổng số mà không phân tích theo biểu mẫu quy định.
 
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2009 tăng 7,09% số vụ TNLĐ (tăng 414 vụ), tổng số nạn nhân cũng tăng 374 người (tăng 618 vụ). Thiệt hại về vật chất do TNLĐ gây ra như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương năm 2009 là 39,488 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 2,7 tỷ đồng và tổng số ngày nghỉ do TNLĐ lên tới 457.817 ngày. Để ngăn ngừa và giảm thiểu số vụ TNLĐ, theo bà Đoàn Minh Hòa, một trong những biện pháp hết sức quan trọng là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ATLĐ trong các doanh nghiệp. Cục ATLĐ đã đề nghị các bộ, ngành phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Chính phủ và phải kiểm tra công tác này trong lĩnh vực mình quản lý. Các địa phương phải tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này và thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về xây dựng chương trình quốc gia về ATLĐ (theo Nghị định 06).
 
Để hướng tới một năm kiềm chế TNLĐ, chuẩn bị tốt cho Tuần lễ quốc gia về vệ sinh ATLĐ, phòng, chống cháy nổ năm 2010, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị các bộ, ngành và yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ ở tất cả các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế. Tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn, nguy cơ cao như xây dựng, nhất là tại các công trình xây dựng nhỏ, công trình trọng điểm sử dụng nhiều lao động thời vụ; lắp đặt sửa chữa điện; khai thác khoáng sản và khai thác đá. Đối với các vụ tai nạn nghiêm trọng, cần xác định rõ nguyên nhân để rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi TNLĐ. Đối với những đơn vị, cá nhân để xảy ra TNLĐ, cơ quan quản lý nhà nước cần xử lý nghiêm, đồng thời yêu cầu người sử dụng lao động phải cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
 
Tin bài liên quan
Loading...