Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10213
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn lao động: Đừng coi thường, chủ quan

Sáng 10-10, ba công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản Trọng Đức, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bất ngờ tử vong khi xuống hầm xử lý nước thải làm vệ sinh, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc vi phạm các quy định an toàn vệ sinh lao động, không chỉ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 

Hầm chứa nước thải, nơi ba công nhân doanh nghiệp Trọng Đức tử vong khi làm vệ sinh ngày 10-10.

Những tai nạn thương tâm

Theo các chuyên gia về môi trường, hầm xử lý chất thải luôn chứa nguồn khí độc nguy hiểm và rất thiếu dưỡng khí. Để bảo đảm an toàn, người lao động trước khi xuống hầm phải được trang bị thiết bị bảo hộ, chống độc. Cửa hầm phải được mở trước đó nhiều ngày, hệ thống thông gió phải hoạt động tốt. Nếu không thực hiện nghiêm các yêu cầu trên, hậu quả tất yếu sẽ xảy ra.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 9 giờ sáng 10-10, anh Nguyễn Văn Chiến (27 tuổi) và Nguyễn Thành Toàn (31 tuổi) leo thang xuống hầm xử lý nước thải để vớt rác. Sau khi xuống, cả hai anh ngất xỉu. Anh Bùi Văn Hưng (31 tuổi) phát hiện liền leo xuống cứu hai người cũng bị ngất xỉu. Sau đó, những người trong nhà máy đưa cả ba anh đi cấp cứu, song họ đều đã tử vong.

Trước đó không lâu, ngày 4-9-2013, sáu nạn nhân làm việc tại nhà máy tinh luyện dầu cá của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) - đóng tại Cụm công nghiệp Vàm Cống, ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cũng đã tử vong do ngạt khí khi xuống bồn chứa dầu cá. Theo quy định, mỗi tuần nhà máy lấy mẫu dầu cá một lần tại các bồn chứa. Vào khoảng từ 9 giờ sáng 4-9, các anh Triệu Bá Trà, Lâm Thanh Phong và Trần Tấn Lợi được phân công đi lấy mẫu trong bồn. Tuy nhiên, lúc này mực dầu cá trong bồn thấp. Anh Phong trực tiếp leo xuống bằng cầu thang trong bồn. Ngay lập tức, anh Phong bị ngạt khí, rơi xuống bồn. Đứng phía trên nhìn thấy, anh Lợi tưởng anh Phong bị trượt tay liền kêu cứu, rồi leo xuống tiếp ứng, anh này sau đó cũng bị ngạt. Tiếp đến anh Trà và một số người khác cùng đến tiếp ứng, dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc.

Trên thực tế, hậu quả của các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) thường rất nặng nề, không chỉ đối với gia đình, doanh nghiệp mà với cả xã hội. Trường hợp nạn nhân Phạm Việt Nhân (nhân viên Công ty Điện lực Bà Rịa- Vũng Tàu, nhà ở đường Nơ Trang Long, TP Vũng Tàu) là một thí dụ. Anh bị TNLĐ trong lúc leo lên sửa chữa lưới điện, nhưng do không đeo dây an toàn nên đã bị rơi xuống đất và tử vong. Anh mất đi, để lại người vợ trẻ vừa cưới được 16 ngày và cha mẹ già. Một đồng nghiệp của anh chia sẻ: “Nếu hôm đó, Nhân thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, hậu quả không đau lòng đến vậy”.

Có thể phòng tránh

Theo điều tra, các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu với lao động làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện làm việc nặng nhọc, như: khai thác và chế biến khoáng sản, xây dựng, cơ khí… Điển hình như tại công trình căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê trên đường Bạch Đằng, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công trình Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tân Phước Thịnh thi công. Vào 15 giờ ngày 4-3-1013. Trong khi các công nhân đang thi công hố móng, bất ngờ bức tường cao ba m, dài gần 20 m của nhà ông Nguyễn Văn Lý cạnh công trình, đổ sập. Một số công nhân chạy thoát, bốn người khác bị bức tường đè lên gây thương tích nặng. Trong đó, anh Nguyễn Tấn Phát (27 tuổi) bị chấn thương đùi trái, gãy xương cánh tay trái và chấn thương vùng đầu; anh Võ Đức Tấn (22 tuổi), Phan Thành Duy (46 tuổi) và Nguyễn Văn Thanh (35 tuổi) cùng bị chấn thương vùng đầu.

Trước đó, ngày 18-11-2012, tại cảng hạ lưu PTSC (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), ba công nhân đã thiệt mạng khi chiếc cần cẩu nặng cả trăm tấn gãy đổ xuống khu vực có đông công nhân làm việc. Nguyên nhân do khi thi công cẩu cấu kiện đã không lót nền cho cẩu hoạt động dẫn đến lún, nghiêng làm đổ cẩu.

Theo thống kê, nguyên chính dẫn đến TNLĐ thường xuất phát từ sự chủ quan của chính người lao động và người sử dụng lao động, như công nhân vẫn phải làm việc trong bán kính của cần cẩu, có người còn đu bám trên cần cẩu; việc đầu tư trang thiết bị bảo hộ còn mang tính hình thức, tại một số đơn vị, mũ bảo hiểm lao động chỉ được đặt tại văn phòng ban chỉ huy công trường để đối phó đoàn kiểm tra. Nhiều đơn vị thậm chí không trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.

Về phía người lao động, họ chủ yếu là lao động phổ thông, được người sử dụng lao động thuê theo hình thức thời vụ, nên ý thức chấp hành nội quy an toàn vệ sinh lao động rất thấp.

Trước tình trạng các vụ TNLĐ có chiều hướng gia tăng như hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cho doanh nghiệp và người lao động. Xử lý nghiêm đối với những đơn vị không chấp hành việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bà Rịa- Vũng Tàu Lê Thị Trang Đài, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiến hành thanh - kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về an toàn lao động. Đồng thời chú trọng công tác huấn luyện an toàn lao động cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Bởi nếu công tác này được này được thực hiện hiệu quả, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động được nâng lên, thì những hậu quả đau lòng do TNLĐ gây ra đều có thể phòng tránh được.

 

Tin bài liên quan
Loading...