Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10523
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn lao động lơ lửng treo trên đầu
Khi dư luận chưa kịp lắng dịu vì những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) liên tiếp tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower thì mới đây, vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 3 người chết và 2 người bị thương tại tòa nhà cao tầng ở 14 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), lại một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về độ an toàn trong lĩnh vực xây dựng.
 
Từ trước đến nay, xây dựng luôn là lĩnh vực được coi là có nguy cơ cao về TNLĐ nhưng nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn chưa quan tâm đúng mức, điều này chính là nguyên nhân của một số vụ việc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ) trong các công trình xây dựng.
 
 

 
Hiện trường vụ sập cần cẩu làm 3 người chết tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.  Ảnh: Dương Hiệp
 
Trở lại vụ TNLĐ do sập cẩu chiều 2-7 làm chết 3 người và 2 người bị thương tại 14 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng), theo kết luận ban đầu, nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật trong quá trình tháo dỡ cẩu. Khi 6 công nhân thực hiện được 2/3 công việc tháo chiếc cẩu tháp có tải trọng 7,6 tấn thì bất ngờ gá cẩu bị vỡ và đổ sập xuống. 
 
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các cơ quan chức năng của thành phố đã thành lập đoàn thanh tra và kịp thời có mặt giải quyết. Theo đoàn thanh tra, đây là vụ sập cẩu gây hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Cũng theo đoàn thanh tra, gần đây nhất, ngày 2-4, một chiếc cẩu cũng đã đổ sập khi đang thi công tòa nhà 28 tầng tại công trường 198 Tây Sơn, thuộc khu vực tổ 13 phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Vụ sập cẩu không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến người dân trong khu vực thực sự lo lắng về những thảm họa lơ lửng trên đầu. 
 
Theo ông Bạch Quốc Việt, cần cẩu tháp là một trong 24 loại thiết bị nằm trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Do đó, cần cẩu phải được kiểm định, giám sát theo định kỳ nhưng dường như hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng cần cẩu tháp đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các Sở LĐ-TB&XH. Theo quy định, các loại cần cẩu, trong đó có cần cẩu tháp trước khi đưa vào sử dụng phải được giám định tại 10 trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ LĐ-TB&XH. Sau khi được giám định, các đơn vị sử dụng cần cẩu phải gửi hồ sơ, kết quả kiểm định về Sở LĐ-TB&XH các địa phương để đăng ký, đồng thời thông báo bằng văn bản với Thanh tra Lao động thuộc các Sở LĐ-TB&XH nơi cơ sở sử dụng các loại máy, thiết bị tại một địa điểm cụ thể, trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện các quy định về việc quản lý và giám sát việc sử dụng loại thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động này. Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Lao động lại quá mỏng, khiến việc kiểm tra cũng như xử lý vi phạm của cơ quan chức năng gặp quá nhiều khó khăn. 
 
Theo đánh giá chung, ở địa bàn lớn như Hà Nội hiện nay, lực lượng cán bộ về an toàn lao động chỉ có 12 người, trong khi đó các công trình xây dựng cao tầng nhiều như nấm thì lực lượng này đang làm việc quá sức. Theo một cán bộ chuyên trách an toàn lao động, tính trung bình, mỗi năm, lực lượng này có làm hết công suất cũng chỉ kiểm tra được cỡ chừng 100 doanh nghiệp. Bởi lực lượng này phải kiểm tra quá nhiều thủ tục như: công tác phòng cháy chữa cháy, bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động, công tác y tế dự phòng, huấn luyện an toàn lao động, cấp thẻ an toàn viên. Ngoài ra, cơ quan này còn phải tổ chức các lớp huấn luyện về an toàn lao động và cấp giấy chứng nhận cho các chủ sử dụng lao động. Đó là chưa kể đến việc kiểm tra thường xuyên các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, trong đó có các cần cẩu tại những công trình xây dựng.
 
Theo báo cáo mới đây của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), tính từ năm 2007 đến nay, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn gia tăng. Thực tế những năm gần đây, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã không được các đơn vị báo cáo khiến tình hình thống kê, điều tra cũng như phân tích nguyên nhân tai nạn không được thực hiện đầy đủ. Thậm chí, một lãnh đạo Cục An toàn lao động phải thừa nhận: Mục tiêu 100% số vụ tai nạn lao động chết người và tai nạn lao động nặng được điều tra, xử lý là điều khó đạt được.
 
Rõ ràng, có một nghịch lý là lực lượng thanh tra, cán bộ chuyên trách về an toàn lao động hiện nay còn quá mỏng; nhiều đơn vị, công ty không nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn lao động; các chế tài xử lý vi phạm quá nhẹ. Tất cả những lý do trên khiến NLĐ đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa rình rập trong quá trình làm việc, nhất là ở những lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ như xây dựng. Và nếu không có một biện pháp thực sự hữu hiệu, không chỉ những công nhân lao động mà ngay cả những người đi đường, những người không có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan cũng có thể là nạn nhân của những mối hiểm họa đang hằng ngày lơ lửng trên đầu.
Tin bài liên quan
Loading...