Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10562
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tai nạn rình rập người lao động
Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người trên các công trình xây dựng, tuy vậy công tác phòng ngừa tai nạn, thực hiện quy định bảo hộ lao động ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng
 
Tại TPHCM, hằng ngày có hàng trăm công trình xây dựng lớn nhỏ thu hút rất nhiều lao động làm việc. Việc bảo đảm các quy định về an toàn lao động trong lĩnh vực này đã được quy định rất chặt chẽ, nhưng việc chấp hành còn rất lỏng lẻo.
 
 

Hai công nhân quét sơn nước trên tầng 3 nhưng không hề có đồ bảo hộ lao động 

(Ảnh chụp tại công trình xây dựng 112 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận)
 
Những cái chết thương tâm
 
Nỗi ám ảnh không chỉ đến với những công nhân đang trực tiếp thi công, mà ngay cả người đi đường cũng phải chạy vội khi đi ngang qua những chiếc cần cẩu “chọc trời” đang vươn ra những con đường tấp nập người, xe. Để kiếm sống, những người thợ xây dựng chấp nhận phải đổ mồ hôi, làm việc trên tầng cao trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
 
Tại công trình 112 Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), chúng tôi chứng kiến hai công nhân đang quét sơn nước phía ngoài công trình trên tầng 3, trên mình họ không hề có dụng cụ bảo hộ. Giàn giáo được dựng rất sơ sài bằng đủ thứ cây treo lơ lửng ngoài không gian. Tương tự, công trình số 223 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) trên tầng 5 một công nhân không có các trang bị bảo hộ lao động, đang đứng trên giàn giáo chông chênh nhô ra ngoài tòa nhà. Người công nhân này đang vừa làm vừa cúi người nép vào sát tường vì phía ngoài là không trung, chỉ cần sẩy chân là xem như “hết đời”. 
 
Chúng tôi có mặt tại công trình số 383BIS/44 Bến Chương Dương (phường Cầu Kho, quận 1), điều khiến chúng tôi “toát mồ hôi hột” khi chứng kiến một công nhân không trang bị bảo hộ lao động trên người, đứng chơi vơi trên tầng 4, đưa tay bắt lấy từng thùng vật liệu xây dựng được đưa từ dưới lên bằng ròng rọc.
 
Đến nhiều công trình đang xây dựng, chúng tôi ghi nhận nhiều công trình không có lưới chống vật rơi. Trong số ít những công trình có trang bị lưới chống rơi thì cũng không đảm bảo an toàn, đúng theo quy định. Tại công trình xây dựng cao ốc Bảo Gia (phường 15, quận 11) trưa ngày 1-1, trong lúc các công nhân đang cuộn lưới bao ở tầng 16 thì giàn giáo bất ngờ bị nghiêng làm một công nhân rơi xuống đất tử vong tại chỗ. 
 
Cũng tại công trình trên vào ngày 19-4 trong lúc đang lắp đặt giàn giáo di động, anh Lê Văn Quới (SN 1971, quê Sóc Trăng), công nhân sơn nước của DNTN Lê Phương Thảo, trượt chân ngã cùng khung giàn giáo từ tầng 6 của tòa nhà, ở độ cao khoảng hơn 20 mét xuống tầng trệt, chết ngay tại chỗ. Trước nữa, ngày 30-10-2009, tại công trình xây dựng số 145 đường Điện Biên Phủ (phường Đa Kao, quận 1) do giàn giáo không an toàn, không dây bảo hiểm, làm anh Nguyễn Văn Quảng (18 tuổi, quê Bạc Liêu) rơi từ tầng 8 xuống đất, chết tại chỗ.
 
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
 
Trong khi công nhân (chủ yếu là lao động thời vụ) chưa ý thức được công tác bảo hộ lao động ở những công trình xây dựng thì không ít chủ thầu xây dựng (nhất là nhà thầu tư nhân) muốn tiết giảm chi phí nên đã cắt bớt những trang thiết bị bảo hộ, an toàn lao động.
 
Có những trường hợp chính công nhân cũng xem nhẹ tính mạng của mình khi được trang bị phương tiện bảo hộ lao động nhưng không sử dụng. Anh Quốc Anh, một công nhân tại công trình xây dựng trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) cho biết, được chủ thầu trang bị găng tay, mũ bảo hộ lao động và dây đai bảo hiểm nhưng hầu hết công nhân chỉ đeo găng tay. Vào những lúc trời nắng đội mũ bảo hộ lao động rất nóng nực, do vậy hầu hết công nhân đều không thích sử dụng mũ bảo hộ. 
 
Có một điều dễ nhận thấy, những người chết vì tai nạn lao động trong quá trình xây dựng chủ yếu là những lao động tự do, chưa am hiểu cũng như không được hướng dẫn về những quy định an toàn trong lao động. Đối với những lao động này, cứ miễn kiếm được tiền là họ vào làm ngay, không cần quan tâm đến an toàn lao động.
 
Để hạn chế được những tai nạn đáng tiếc, cần có sự ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như người lao động. Đồng thời cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về an toàn, bảo hộ lao động. 

Mức phạt tới 30 triệu đồng
 
Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, tại điều 26 của nghị định này ghi rất rõ: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Không trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động trong công trường xây dựng; lập biện pháp kỹ thuật và tổ chức thi công mà không có biện pháp bảo đảm an toàn lao động; không có biển báo an toàn; không có phương tiện che chắn; không mua các loại bảo hiểm theo quy định...
Bài và ảnh: Văn Đắc
 
Tin bài liên quan
Loading...