Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10727
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tại sao tỷ lệ sinh viên thất nghiệp tăng?
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra con số có tới 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 3 tháng không tìm được việc làm. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp cho rằng phản ánh đúng năng lực sinh viên hiện nay.
 

Thụ động và lười

Bà Lưu Thị Đào, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Tuệ Linh cho biết, là một công ty đặc thù về sản xuất, chế biến dược liệu nên tiêu chí tuyển dụng lao động vào làm việc của công ty cũng có đôi chút khác biệt. 
 
Theo đó, trung bình mỗi tháng công ty có nhu cầu tuyển dụng trên dưới 20 người, tương ứng mỗi năm cần khoảng 240 – 300 lao động. Đặc biệt chỉ trong tháng 11 năm 2014, do mở rộng thêm thị trường và mở rộng thêm sản phẩm nên công ty cần tuyển hơn 100 lao động.
 
 
Nhiều sinh viên vẫn thụ động 

“Do đặc thù sản xuất, kinh doanh của công ty nên yêu cầu chúng tôi đặt ra cho các ứng viên phải có nghề lên tới 98%, số lao động phổ thông chỉ chiếm 2%. Mặc dù mỗi lần đăng thông báo tuyển dụng có rất nhiều hồ sơ thi tuyển nhưng tỷ lệ đạt chỉ khoảng 32%. Số lượng tuyển dụng vào sau quá trình thử việc đáp ứng được yêu cầu công việc ngay cũng chỉ chiếm khoảng 60%” – bà Đào cho biết.
 
Theo bà Đào, trong quá trình tuyển dụng, bà nhận thấy các ứng viên thường thiếu kiến thức chuyên ngành phù hợp, thiếu kỹ năng mềm khiến việc thể hiện bản thân (kỹ năng ngôn ngữ, trình bày, cũng như tác phong còn nhiều lúng túng thể hiện sự thiếu tự tin).
 
“Trong khi đó, khi chúng tôi đặt câu hỏi phỏng vấn nhằm tìm hiểu thêm về ứng viên như: Trông đợi gì ở vị trí tuyển dụng, Vì sao lại nộp đơn thi tuyển? … thì quá nửa số này không thể hiện được rõ mục tiêu mình lựa chọn” – bà Đào nhấn mạnh.  
 
Nguyên nhân của tình trạng này theo bà Đào là do sinh viên mới ra trường quá thụ động và lười, không tìm hiểu kỹ công việc mình cần phải làm gì và lười không tìm hiểu về công ty trước khi đến tham dự phỏng vấn. 
 
Trong khi kiến thức trong trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng thì bản thân các em cũng không tự bồi đắp những kiến thức mình thiếu hụt. Rõ ràng, tất cả các trường đại học đều có trung tâm ngoại ngữ, đều có những khóa học về kỹ năng mềm  như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng phó… tuy nhiên trong quá trình tuyển dụng theo bà Đào đánh giá thì sinh viên thực sự rất yếu và thiếu những điều này.
 
Cắt nghĩa nguyên nhân sâu xa của việc sinh viên thụ động và lười khi không tự trang bị kỹ năng mềm, theo bà Đào, là do cuộc sống của bản thân các em cũng khá hơn, được bố mẹ chu cấp đủ đầy để đi học nên các em không còn khát vọng để vươn lên như thời trước đó. Các em coi giai đoạn học đại học như thời gian “xả hơi” sau những tháng ngày luyện thi vất vả, vì thế tự cho mình được lười.
 
Chưa làm thợ nhưng thích làm thầy

Với đặc thù công ty xây dựng, nhu cầu tuyển dụng luôn biến động theo tiến độ của các công trình nhưng theo ông Trần Chung – trưởng phòng Tổ chức nhân sự (Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng) cho biết, hiện sinh viên mới ra trường rất yếu và thiếu kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm và trình độ chuyên môn.
 
Qua thực tế nhu cầu tuyển dụng của công ty, ông Chung cho biết có những vị trí mỏi mắt tìm không được một ứng viên đáp ứng được công việc. Chẳng hạn như vị trí kỹ sư bảo hộ lao động. Đây là vị trí mà sau khi trúng tuyển, các kỹ sư sẽ làm việc trên công trường. Họ phải thể hiện khả năng tập hợp, kết nối các nhóm công nhân và kỹ thuật để chủ động phổ biến, trang bị những kiến thức về bảo hộ lao động mà không phải là chỉ đi xử lý từng trường hợp cụ thể về mất an toàn lao động. Thế nhưng, hầu hết các sinh viên mới ra trường không làm được việc này.
 
“Trong khi đó, cái “tôi” của sinh viên mới ra trường lại quá lớn. Các em chưa làm thợ đã lại thích “làm thầy” trong khi những người đi trước, những đồng nghiệp không có tinh thần chỉ bảo, thì bản thân sinh viên cũng không thể hiện mình có nhu cầu học hỏi mà luôn tỏ ra cái gì cũng biết, cũng không cần học nữa” – ông Chung nói.
 
Ông Chung cũng kể ra một ví dụ, với vị trí công nhân điện, phía công ty lúc nào cũng thiếu. Thế nhưng đội ngũ trẻ mới ra trường, ngoài chất lượng đào tạo kém thì họ thực sự không nhiệt huyết với nghề. Họ không biết mình yếu từ đâu, cũng không có tinh thần học hỏi. 
 
“Chắc chắn nếu tổ điện ấy sai bạn ấy đi rải dây điện thì chắc chắn bạn ấy sẽ không hài lòng. Họ sẽ cho rằng, mình được học hành bài bản, mình phải được làm lãnh đạo. Nếu không đáp ứng yêu cầu đó, các bạn ấy sẵn sàng bỏ việc. 
 
Rõ ràng vấn đề mấu chốt ở đây là các bạn ấy thiếu tinh thần vươn lên, họ thiếu trách nhiệm với công việc được giao (kể cả việc nhỏ nhất là rải dây điện), họ thiếu đi sự nhiệt huyết và tình yêu với công việc mà mình đã được học cho dù không phải lúc nào việc học cũng đến đầu đến đũa”- ông Chung nhấn mạnh.
 
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm 2011, tổng số người tốt nghiệp có trình độ ĐH, CĐ  là 318.400 người; năm 2012 là 402.300 người; năm 2013 là 425.200 người. 
 
Trong giai đoạn 2011 - 2014, số lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng lên qua các năm, so sánh năm 2014 với năm 2010, tỷ lệ lao động trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng 38%. 
 
Tuy nhiên, số lao động trình độ ĐH, CĐ trong độ tuổi lao động thất nghiệp trong thời gian qua tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm; số lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%. 
 
Trên cơ sở báo cáo của hơn 100 trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp cho thấy, giai đoạn 2010 - 2014, trung bình tỉ lệ SV tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng 60%. Trong đó, có những cơ sở giáo dục đạt tỷ lệ này cao hơn, khoảng 80 - 90%.
 
Ngô Châu Anh
Tin bài liên quan
Loading...