Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10698
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tăng ca: Bài toán trừ của lợi nhuận
Sau 8 giờ làm việc, sức khỏe người lao động đã bị giảm sút, các giác quan đã kém nhạy bén nên năng suất lao động thấp, chất lượng hàng hóa kém, tỉ lệ hàng hư cao, lại dễ xảy ra tai nạn lao động...
 
“Nếu ban soạn thảo thuận theo doanh nghiệp (DN) chấp nhận tăng thời gian làm thêm của người lao động (NLĐ) lên 500 giờ/năm thì đây là bước lùi của Bộ Luật Lao động (BLLĐ)”. Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhận định như vậy về ý kiến của các DN đóng góp cho việc sửa đổi BLLĐ.
 
 
Một cuộc ngừng việc tập thể tại KCX Tân Thuận (TPHCM) có nguyên nhân vì tăng ca quá mức. Ảnh: N.DƯƠNG
 
Không tăng ca, tuổi nghề cũng đã ngắn
 
BLLĐ hiện hành quy định tăng ca không quá 200 giờ trong một năm, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 300 giờ trong một năm là kết quả những nghiên cứu khoa học và thực tiễn về giới hạn khả năng chịu đựng của NLĐ. Quá giới hạn ấy, NLĐ sẽ kiệt sức. Bà Nguyễn Thị Năm, Chủ tịch CĐ Công ty Dệt May Việt Thắng –TPHCM, cho biết: “Công nhân (CN) ngành dệt làm việc 3 ca; không cần tăng ca thì tuổi nghề cũng đã ngắn. Hiện nay, CN ngành dệt khi quá 40 tuổi đã không còn đủ sức làm việc. Đa số họ phải giám định suy giảm sức khỏe để được hưởng chế độ mất sức lao động”. 
 
Những năm qua, tăng ca là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tranh chấp lao động tại TPHCM. Có thể nói tăng ca là biện pháp kém hiệu quả để nâng cao sản lượng hàng hóa. Vấn đề quan trọng là CN nghĩ gì, muốn gì ở DN. 
 
Nếu DN tạo điều kiện để CN được nâng cao tay nghề, cải thiện thu nhập, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa... thì chắc chắn sẽ có lực lượng lao động giỏi, bền vững. Đây là yếu tố rất quan trọng để DN phát triển.
 
Ông Diệp Thành Kiệt (Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt, may, thêu, đan TPHCM)

CN ngành thủy sản liên tục đứng 8 giờ/ngày thì liệu họ đủ sức khỏe làm đến tuổi hưu? Nếu tăng ca theo mức độ như kiến nghị của một số DN thì những CN này sẽ kiệt quệ khi tuổi còn rất trẻ. Số liệu thống kê tại các trung tâm y tế quận, huyện như Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh... cho thấy tình trạng CN kiệt sức ngất xỉu hàng loạt khi tăng ca gia tăng đột biến, nhất là từ năm 2008 trở về trước.
 
Bài học nhãn tiền là những năm qua, khi hàng loạt DN ngành may mặc cổ phần hóa, hàng vạn CN nữ mới ngoài 40 tuổi đã phải nghỉ chờ hưu vì sức khỏe suy giảm, bị DN xem là “gánh nặng”, không muốn tiếp tục nhận vào làm việc.
 
Làm kiệt quệ nguồn nhân lực
 
Giám đốc một công ty may tại quận 12- TPHCM cho biết: Tăng ca là việc cực chẳng đã khi đối tác cần giao hàng quá gấp. Tuy nhiên, tăng ca theo dạng này cũng không bao giờ vượt quá thời giờ theo quy định. Vị giám đốc này tính toán: Khi tăng ca, sẽ làm tăng chi phí tiền lương, chi phí bữa ăn giữa ca; chi phí điện, nước... 
 
Chưa kể, sau 8 giờ làm việc, sức khỏe NLĐ đã bị giảm sút, các giác quan đã kém nhạy bén nên năng suất lao động thấp, chất lượng hàng hóa kém, tỉ lệ hàng hư cao, lại dễ xảy ra tai nạn lao động... Còn đối với NLĐ, sau khi tăng ca thì năng suất ngày hôm sau sẽ giảm mạnh và không có thời gian tái tạo sức lao động. 
Vậy tại sao nhiều DN vẫn tăng ca triền miên? Ông Nguyễn Văn Nam, giám đốc tài chính một DN ngành in tại quận 11-TPHCM, phân tích: “Khai thác lợi ích từ việc tăng ca là cách làm của những DN kinh doanh theo kiểu được chăng hay chớ. Thứ nhất, họ không đầu tư vào nguồn nhân lực, chỉ khai thác tối đa số ít nhân lực hiện có. 
 
Thứ hai, tăng ca nhiều để giảm nguồn lao động họ phải ký hợp đồng; qua đó, giảm các chi phí liên quan như BHXH, các loại phụ cấp... Khi gặp những đơn hàng lớn, họ không đủ năng lực thực hiện nên phải lấy việc tăng ca bù đắp cho việc thiếu lao động. Khi chi phí làm ngoài giờ tăng cao, họ lại chuyển sang việc cắt xén các quyền lợi liên quan... Hậu quả là lực lượng lao động của họ không ổn định, tay nghề thấp, chất lượng hàng hóa kém và khách hàng... bỏ chạy. Chưa kể, những DN này luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động”.
 
Nâng cao tay nghề để tăng năng suất
 
Ông Phạm Xuân Hồng, Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, nhận định: “Tăng năng suất lao động để tăng tính cạnh tranh của DN là bài toán căn cơ nhất. Muốn vậy, phải nâng cao tay nghề cho CN. Điều này vừa giúp DN có đội ngũ lao động giỏi nghề, năng suất cao, chất lượng tốt vừa giúp nâng cao thu nhập cho NLĐ để họ gắn bó, hết lòng vì DN”. 
 
Cách làm của Sài Gòn 3 là khi CN mới vào, họ sẽ được đưa vào chuyền có năng suất khá để CN giỏi hơn kèm cặp. Thời gian đầu, năng suất chuyền này có thể bị giảm một ít, nhưng sau 3 tháng, tay nghề của những CN mới sẽ tương đương CN trong chuyền. Tiếp tục đưa CN ở chuyền năng suất khá này vào chuyền có năng suất giỏi, cứ thế để đào tạo. Sau một thời gian tay nghề của CN sẽ khá đồng đều, cùng giỏi. 
 
Bởi vậy, thu nhập của hơn 2.500 CN của Sài Gòn 3 thuộc diện cao nhất trong ngành may tại TPHCM: khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.    
 
Bên cạnh đó, nhiều DN đã đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng suất lao động. Tại Công ty CP May Bình Minh, các loại máy may đời cũ đã được thay bằng các loại máy hiện đại vừa may vừa cắt chỉ, các loại máy cắt mẫu... Sản lượng làm việc tăng từ 50% - 100%, tùy công đoạn. Nhờ đó, thu nhập của CN đạt khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Tin bài liên quan
Loading...