Từ năm 2010 đến nay, tại các mỏ đá trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động khiến nhiều người chết và gây ô nhiễm nghiêm trọng
Dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh (phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) có hàng chục mỏ khai thác đá xây dựng nằm san sát nhau đang hoạt động. Có mặt tại khu vực công trường khai thác đá, chúng tôi chứng kiến không khí hoạt động rất nhộn nhịp. Tiếng máy xay đá, máy khoan gầm rú dinh tai.
Tại mỏ đá thuộc HTX Khai thác đá Minh Tân (khối 8, phường Đậu Liêu), chúng tôi bắt gặp một tốp thợ đang đu mình trên vách đá dựng đứng để khoan lỗ nhồi mìn. Từ dưới nhìn lên, vách đá cao 30-50 m, những người thợ khoan chỉ là những chấm nhỏ li ti giữa khối đá lớn lởm chởm. Ngay phía dưới vách đá dựng đứng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào là một tốp thợ đang dùng búa, máy khoan để xẻ các khối đá lớn.
Rời khu mỏ đá của HTX Minh Tân, chúng tôi sang một mỏ đá khác thuộc khu vực khai thác của HTX Tân Hồng (phường Đậu Liêu). Tại đây, nhiều người dân đang khai thác đá trong tình trạng thiếu trang thiết bị
bảo hộ lao động, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Anh S., đang làm việc tại mỏ đá này, cho biết: “Ở khu vực các mỏ đá năm nào cũng có người chết, bị thương. Làm nghề khai thác đá nguy hiểm lắm nhưng vì không có việc nên đành nhắm mắt liều mạng”.
Người dân bất chấp nguy hiểm mưu sinh tại các mỏ đá
Theo thống kê từ năm 2010 đến nay, tại các mỏ đá trên địa bàn phường Đậu Liêu xảy ra hàng chục vụ tai nạn lao động khiến nhiều người chết và bị thương. Mới đây nhất, vào ngày 13-11, trong lúc đang ngồi chờ tại văn phòng mỏ đá kim loại màu ở khối 8, phường Đậu Liêu, anh Lê Đức Duẫn (SN 1984; ngụ xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tài xế xe tải, đã bị một khối đá do mỏ bên cạnh nổ mìn văng trúng đầu tử vong. Đặc biệt, năm 2012 xảy ra 5 vụ tai nạn ở các mỏ đá trên địa bàn phường Đậu Liêu khiến 5 người chết, 1 người bị thương.
Ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu, thừa nhận: “Việc kiểm tra an toàn lao động vẫn làm thường xuyên. Tuy nhiên, để tránh xảy ra tai nạn cũng khó vì người dân thường chủ quan. Điển hình, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 13-11, khi đến giờ nổ mìn nhưng tài xế Duẫn vẫn lái xe vô, hậu quả là tử vong”. Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Hồng Lĩnh, cho biết phường Đậu Liêu tập trung rất nhiều mỏ đá đang hoạt động, năm nào phòng cũng có đoàn đi kiểm tra công tác vệ sinh an toàn lao động tại những nơi này. Tuy nhiên, do các chủ mỏ, người lao động chủ quan nên vẫn xảy ra một số vụ tai nạn lao động chết người.
Ngoài tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động thì việc hàng loạt mỏ đá hoạt động suốt ngày đêm còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân cũng như việc đi lại trên các tuyến đường.
Một người dân cho biết các xe chở đá hoạt động hết công suất, liên tục chở hàng qua khu vực dân cư. “Chúng tôi ngày nào cũng phải sống chung với bụi, không ít người đổ bệnh vì ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần phản ánh với chính quyền nhưng tình trạng không thay đổi” - một người dân bức xúc.
Thượng tá Lưu Văn Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận việc xe chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với những xe này.
Đình chỉ những đơn vị vi phạm
“Đơn vị khai thác đá nào để xảy ra tai nạn lao động, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động mỏ từ 3-6 tháng, bắt chủ mỏ phải làm lại đầy đủ các quy định bảo đảm an toàn lao động mới tiếp tục cho hoạt động” - ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu, khẳng định.
Bài và ảnh: Hải Vũ