“Thận trọng cần thiết” với việc quy trách nhiệm hình sự pháp nhân
Pháp nhân vi phạm pháp luật có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Nếu pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, cơ chế nào đủ mạnh để quy định này được thực thi hiệu quả… là một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà làm luật khi thảo luật về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Thời điểm đã chín?
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành chỉ quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với cá nhân, không quy định TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (pháp nhân) vì nhiều lý do khác nhau đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu hoặc vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường,
bảo hộ lao động.
Theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tư pháp, TNHS của pháp nhân không phải là vấn đề mới mà đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự quốc gia cũng như các văn bản pháp luật quốc tế. Ở nước ta, vấn đề TNHS của pháp nhân đã được đưa ra thảo luận và nghiên cứu chính thức trong quá trình xây dựng BLHS năm 1999.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, vấn đề TNHS của pháp nhân chưa được nghiên cứu sâu về mặt lý luận và thực tiễn, do vậy, vấn đề này vẫn tiếp tục được nghiên cứu. Năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, vấn đề TNHS của pháp nhân một lần nữa được đưa ra nghiên cứu, thảo luận để quy định bổ sung vào BLHS.
Nhưng do đây là lần sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cấp bách, bức xúc nhất của thực tiễn tại thời điểm đó để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nên vấn đề TNHS của pháp nhân được thống nhất để lại tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về mặt lý luận và thực tiễn cho lần sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện BLHS.
Trước tình hình vi phạm ngày càng nghiêm trọng của các loại hình pháp nhân này, Nhà nước ta đã áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) và chế tài dân sự để buộc các pháp nhân vi phạm phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy đã và đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, chế tài xử phạt VPHC trong Luật Xử lý VPHC vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ.
Theo đó, Luật Xử lý VPHC cho phép các cơ quan chức năng áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm nặng nhất không vượt quá hai tỷ đồng. Còn đối với một số lĩnh vực cụ thể như: lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì mức phạt tối đa không quá 300 triệu đồng; lĩnh vực bảo hiểm xã hội không quá 150 triệu đồng hay lĩnh vực thương mại không quá 200 triệu đồng.
Với mức phạt này, nhiều doanh nghiệp pháp nhân, nhất là pháp nhân là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: các tập đoàn kinh tế, công ty liên doanh, các công ty đa quốc gia, các hãng vận tải biển quốc tế có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm.
Mặt khác, mặc dù thủ tục xử phạt VPHC có ưu điểm là nhanh, kịp thời ổn định trật tự trong quản lý nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp nên tiềm ẩn nguy cơ việc xử phạt vi phạm pháp nhân không tương xứng với mức độ hậu quả đã gây ra, làm giảm tác dụng răn đe, phòng ngừa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời điểm sửa đổi BLHS lần này là lúc phù hợp để bổ sung chế định TNHS của pháp nhân.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng gặp phải không ít ý kiến phản đối vì cho rằng chúng ta đã có các chế tài hành chính, dân sự để xử lý các pháp nhân vi phạm. Ngoài ra, việc áp dụng chế tài hình sự đối với pháp nhân sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Phạt tiền cao hơn, chế tài nghiêm khắc hơn
Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này đã bổ sung vào Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế phạm tội” với một hệ thống các chế tài tương đối đa dạng và nghiêm khắc hơn các chế tài XPHC. Theo đó, mức phạt tiền hình sự sẽ cao hơn mức phạt tiền hành chính áp dụng đối với pháp nhân.
Dự thảo Bộ luật cũng quy định một số chế tài không có trong cơ chế xử phạt VPHC đối với pháp nhân như: tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn. Đây là những biện pháp mạnh nhằm xử lý nghiêm, đồng thời ngăn ngừa khả năng pháp nhân tái phạm.
Về phạm vi TNHS của pháp nhân, Dự thảo BLHS sửa đổi mới chỉ giới hạn phạm vi TNHS của pháp nhân đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng và tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Bộ Tư pháp cho biết: “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước lần đầu quy định TNHS của pháp nhân đều thể hiện “sự thận trọng cần thiết” bằng cách khoanh vùng một số tội danh mà pháp nhân thường hay vi phạm (tính phổ biến), có mức độ nguy hiểm nhất định và dễ chứng minh trên thực tế. Việc Dự thảo Bộ luật thể hiện phương án quy định về TNHS của pháp nhân đối với 15 tội danh là thể hiện sự thận trọng cần thiết đối với một vấn đề phức tạp này”.
Mặc dù vậy, Bộ Tư pháp cũng nhận định việc quy định TNHS của pháp nhân trong BLHS (sửa đổi) là vấn đề mới trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, động chạm trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp, đến cuộc sống của người lao động, đến những vấn đề lý luận đã tồn tại rất lâu trong đời sống chính trị, pháp lý ở Việt Nam nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều.
Bên cạnh đó, việc quy định TNHS của pháp nhân đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi một số văn bản pháp luật quan trọng như: BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… tác động đến hoạt động của nhiều Bộ, ngành như Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC nên cần có những nghiên cứu bài bản để tạo sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành cũng như toàn xã hội.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, vấn đề TNHS của pháp nhân đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự của nhiều nước. Qua nghiên cứu, hiện nay trên thế giới có 119 nước quy định TNHS đối với pháp nhân (Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia,…), trong đó, khu vực ASEAN có 06 nước (Xin-ga-po, Ma-lai-xia, Thái Lan, Phi-li-pin, In-đô-nê-xia và Cam-pu-chia). Đặc biệt,Trung Quốc là nước có nhiều nét tương đồng về truyền thống lập pháp với nước ta cũng đã có quy định TNHS đối với pháp nhân.