Thang vận - cái bẫy chết người nếu dùng sai quy trình
Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc do cách sử dụng thang vận không đúng cách và lắp đặt không đạt tiêu chuẩn. Song mấu chốt để xảy ra những hậu quả đáng tiếc vẫn là do người sử dụng xem thường quy định an toàn.
Một vụ tai nạn thang vận tại công trình trên địa bàn phường Lĩnh Nam cuối năm 2015
Với mục đích nhanh, tiện lợi, hệ thống thang vận chuyển được nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hà Nội lắp đặt sử dụng để phục vụ mục đích kinh doanh. Với những công trình được tính toán thiết kế từ ban đầu có hệ thống thang vận, câu chuyện an toàn vẫn còn chưa được đảm bảo chắc chắn. Đằng này, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống, do thuê nhà cao tầng trong diện tích hẹp và để tiện lợi đã lắp đặt thêm hệ thống thang vận chuyển thức ăn, thực phẩm, thì việc đảm bảo an toàn là nỗi lo thường trực.
Hậu quả của sự tùy tiện
Khoảng 21h50 ngày 26-9, đã xảy ra vụ tai nạn kẹt thang vận gây tử vong cho một nhân viên của quán ăn “Vua Chả Cá”, địa chỉ tại số 26C - phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mặc dù lực lượng cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu nạn, nhưng hệ thống thang vận đã làm nạn nhân tử vong trong giếng thang.
Xác định nạn nhân đã chết do mắc kẹt tại tời dùng để di chuyển thức ăn, lực lượng chức năng đã tổ chức đưa xác nạn nhân ra ngoài; CAQ Hoàn Kiếm và chính quyền sở tại cùng các đơn vị có trách nhiệm khác cũng có mặt tại hiện trường để khám nghiệm phục vụ công tác điều tra.
Không chỉ trong nhà hàng, quán ăn, trường học, hệ thống thang vận hiện nay còn đang được sử dụng tại hàng nghìn công trường xây dựng chung cư, cao ốc… trên địa bàn Hà Nội. Vụ rơi thang vận khiến 3 người tử vong tại công trường nằm trên phố Lĩnh Nam, quận Hai Bà Trưng cách đây chưa lâu vẫn khiến không ít người bị ám ảnh, nhất là những lao động thời vụ làm thuê, chủ sử dụng lao động bảo làm gì thì làm đấy, chứ không thể biết thang vận mình đang đứng lên nó có chắc chắn hay lỏng lẻo.
Trở lại vụ tai nạn tại quán ăn trên phố Trần Hưng Đạo, nó cũng cho thấy việc đào tạo nhân viên, sử dụng các dụng cụ
bảo hộ lao động là tùy tiện, vô lối. Đây là công trình nhà cũ, có kiến trúc từ thời Pháp gồm 3 tầng, không có hệ thống thang máy. Tuy nhiên, chủ nhân của ngôi nhà này khi kinh doanh đã lắp đặt thêm hệ thống thang để phục vụ mục đích vận chuyển đồ ăn cho khách. Sự chắp vá thiếu đồng bộ đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cộng với hệ thống thiết bị không đạt tiêu chuẩn và người sử dụng không được huấn luyện, hướng dẫn đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ CS PCCC số 1 - quận Hoàn Kiếm đưa nạn nhân mắc kẹt tại quán ăn trên phố Trần Hưng Đạo
Xử lý nghiêm việc tự ý lắp thang vận
Theo Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, tại một số quán ăn, thang vận đang được sử dụng vô nguyên tắc, không cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm, thậm chí người sử dụng còn dùng như trò chơi. Đáng chú ý, hệ thống dây tời và máy móc thiết bị vận hành thang vận đều được các “nhà thiết kế” để lộ thiên, không có hộp kỹ thuật che chắn, phòng ngừa tai nạn rủi ro.
Tìm hiểu cơ chế vận hành thang vận tại một quán bán bánh mì pa tê trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, phóng viên Báo ANTĐ nhận thấy việc xảy ra tai nạn chỉ còn là vấn đề thời gian. Bởi lẽ, việc nhân viên ngó đầu vào giếng thang vận để gọi đồ ăn thêm cho khách là hình ảnh… thường thấy ở quán này. Khi được hỏi: Có biết việc làm như vậy là nguy hiểm không? - nhân viên quán bánh mỳ thản nhiên trả lời: “Chết có số rồi ông ơi”.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Theo đúng tiêu chuẩn an toàn, các thang vận phải có cảm biến để khi chỉ cần vướng nhẹ là dừng lại, hoặc có sự cố là dừng hẳn. An toàn hơn nữa, tại các cửa giếng thang của mỗi tầng, nhà thiết kế sản xuất phải chế tạo cửa tự động đóng, mở và dán cảnh báo nguy hiểm, đồng thời cử người chuyên trách làm việc tại đây. Nhân viên này làm nhiệm vụ điều hành, vận chuyển thực phẩm lên xuống phải dùng bộ đàm và không ai dại dột mà ngó đầu vào giếng thang vận ngó nghiêng. Nếu làm sai quy trình sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng”.
Cũng theo thông tin từ Phòng Cảnh sát PCCC số 1 - Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại quán ăn ở phố Trần Hưng Đạo, đơn vị đã báo cáo đề xuất cấp trên bố trí lực lượng chức năng phối hợp rà soát, kiểm tra, xử lý các nhà hàng, quán ăn, công trình sử dụng thang vận không đúng tiêu chuẩn, lắp thang vận sai phép.
“Đúng quy chuẩn, hệ thống thang máy, thang vận trong tòa nhà là một hạng mục phải được cấp phép mới được thi công lắp đặt. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế hiện nay nhiều nhà hàng trên địa bàn Hà Nội đã tự ý lắp đặt hệ thống thang vận, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đó là chưa kể tới chất lượng thiết bị máy móc thang vận có đảm bảo chất lượng và người thợ lắp đặt có đúng quy trình hay không?
Các trường học cần lường trước nguy cơ tai nạn khi sử dụng thang vận
Theo Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, ngoài quán ăn, nhà hàng thì tại một số trường học cũng có hệ thống thang vận để vận chuyển thực phẩm phục vụ các bữa ăn cho học sinh bán trú cấp tiểu học hoặc mầm non.
Tuy chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, song không phải là không có nguy cơ vì học sinh nhỏ tuổi vốn tò mò, nếu cửa hố thang đang mở mà học sinh ngó vào trong để xem thì tai nạn rất có thể xảy đến bất ngờ nếu thang hoạt động.
Để đảm bảo an toàn, lực lượng Cảnh sát PCCC đã khuyến cáo các trường cần thực hiện các biện pháp an toàn như: nghiêm cấm cho học sinh tiếp cận sử dụng thang vận và phải có biển cảnh báo an toàn.
Quy chuẩn an toàn đối với thang vận chuyển
Để đảm bảo an toàn cho thang vận, việc đầu tiên phải tuân thủ quy trình lắp đặt, vận hành, và phải bảo dưỡng, bảo trì đúng thời hạn. Đối với các hệ thống thang vận đang được sử dụng trong các nhà hàng, quán ăn… cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng liên tục, lau chùi dầu mỡ để các rơ le hoạt động tốt.
Khi không sử dụng thang vận, cần tắt cầu dao cấp điện và để thang vận trở về tầng thấp nhất của đế thang. Tuyệt đối không để các giếng thang hở khi không có người làm việc. Nhân viên nhà hàng cần được tập huấn an toàn lao động, PCCC khi làm việc. Khi xảy ra sự cố thang vận, cần nhanh chóng cắt cầu dao điện và báo cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ theo số điện thoại 114 để được trợ giúp.
Theo ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm an toàn lao động - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, mất an toàn lao động xuất phát từ người sử dụng lao động và do người lao động thiếu kiến thức, chủ quan. Qua vụ tai nạn thang vận tại quán “Vua Chả cá” vừa qua, có thể thấy kiến thức của người lao động rất hạn chế, thiếu hiểu biết, nhưng lại không được hướng dẫn sử dụng các thiết bị phục vụ công việc.