Ngoài các công trình điện lớn của đất nước, dấu ấn các dự án Hầm đường bộ Hải Vân, đèo Ngang rồi Quốc lộ 1, Quốc lộ 18… đã từng được TCty Sông Đà ghi danh không chỉ trong nước mà cả khu vực và thế giới.
Tiếng gọi Sông Đà từ một gói thầu của cung đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã đưa tôi ngược vào mảnh đất miền Trung nắng gió nơi có những người thợ xây dựng, giao thông đang miệt mài chạy đua với thời tiết. Câu ca “ Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say” dường như đã nói đủ đăc trưng của vùng đất nắng mưa thất thường này. Những con sông mang phù sa chảy từ Tây Nguyên về cộng với gió biển mặn mòi, gió núi làm cho đất nơi đây vốn đã đỏ lại càng thêm quánh khi có mưa.
Chiếc xe chuyên dụng dành cho người chỉ huy công trường đưa tôi lên tới cửa hầm núi Eo- thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Thật may mắn là cơn mưa núi mới tạm ngưng sau hai ngày, nắng lên cháy bỏng vẫn chưa kịp làm khô lớp bùn dày đặc quánh. Nếu so với các công trường thủy điện mà trước đây Sông Đà đã đảm nhận thì công trường đường cao tốc này “ Vẫn chưa thấm vào đâu” – theo như lời của anh Quảng, lái xe đã từng kinh qua nhiều công trình lớn nhận xét.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi Điểm có điểm đầu từ Km0 tại thị trấn Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Điểm cuối dự án: Km 131+500 thuộc đường vành đai quy hoạch của thành phố Quảng Ngãi. Tổng chiều dài 139,52 km, trong đó tuyến cao tốc khoảng 131,5 km, đoạn tuyến nối cao tốc với QL1A khoảng 8,02 km.
Hạng mục hầm thuộc gói thầu xây lắp số 4 đi qua núi Eo tại lý trình Km22+485 đến Km23+041; ngày 15/01/2015 cửa hầm đầu tiên phía Bắc bên phải chính thức được mở. Hầm được thiết kế đạt tiêu chuẩn cấp III, kết cấu hầm bằng bê tông và bê tông cốt thép. Hầm gồm 2 hầm đơn: hầm đi về phía Bắc có chiều dài 556m (từ Km22+485 đến Km23+041), hầm đi về phía Nam có chiều dài 515m (từ Km22+485 đến Km23+00). Đường trong hầm có tốc độ thiết kế 120km/h.
Mặc dù gói thầu có khối lượng không nhiều nhưng nằm trong vị trí quan trọng của tuyến, đặc biệt là phần hầm với khối lượng thi công khoan nổ, ảnh hưởng đến cư dân gần công trường. Anh em Sông Đà nhớ lại, những ngày đầu hàng trăm hộ dân thôn Chiêm Sơn kéo vào đường hầm ngăn cản không cho thi công vì trong quá trình nổ mìn làm hầm đã gây nứt nhà dân trong khu vực, khiến việc thi công đường hầm phải tạm dừng trong gần một tháng.
Trong thời gian dừng thi công, TCty Sông Đà - Cty cổ phần Sông Đà 10 đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thôn Chiêm Sơn tiến hành nhiều cuộc đối thoại. Kết quả đồng lòng của người dân như tháo gỡ được nút thắt quan trọng nhất.
Ông Vũ Dũng- Giám đốc Ban điều hành TCty Sông Đà cho biết: Đặc thù vùng Quảng Nam nguyên liệu đắp đường rất thiếu, tuy vâỵ với kinh nghiệm đã từng triển khai các công trình trọng điểm chúng tôi đã chủ động liên hệ với địa phương để có được mỏ đất bảo đảm chất lượng cao nhất. Nhìn những lớp đất đỏ dày đang ngày càng được tôn cao dưới những đường lu lèn phẳng ít ai biết rằng để có được nguyên liệu tưởng chừng như rất sẵn này lại phải mất tới vài tháng.
Theo thợ Sông Đà len lỏi trên công trường, tôi gặp những gương mặt trẻ thế hệ Sông Đà mới. Họ mới đầu quân về Sông Đà nhưng đã được giao những trọng trách mũi nhọn. Nguyễn Toàn Năng là kỹ sư trẻ phụ trách phần làm đường của Cty CP Sông Đà 2 trao đổi: “ Công ty em được giao nhiệm vụ quan trọng của gói thầu, chính vì thế mà ngay từ khi đặt chân xây dựng lán trại các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cũng được áp dụng. Ngoài những lao động kỹ thuật cao điều khiển máy móc thiết bị hiện đại do công ty mới trang bị, những thợ xây dựng được tuyển dụng vào đây cũng được trả lương cao hơn so với khu vực. Họ được cung cấp
bảo hộ lao động và huấn luyện an toàn đầy đủ. Bất kể điều kiện khó khăn về thời tiết họ luôn làm với tinh thần trách nhiệm cao đối với công trình”.
Sau những dự án thủy điện lớn, tập trung lao động tại những khu vực núi non hiểm trở. Từ những gói thầu nhỏ trên các cung đường đang được triển khai, thợ Sông Đà đang viết tiếp những trang lịch sử ấn tượng cho ngành Xây dựng. Không chỉ bằng chất lượng thi công luôn được chủ đầu tư đánh giá cao, họ còn ghi dấu ấn vượt tiến độ tới 4 tháng tại gói thầu số 4. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã biểu dương tinh thần làm việc của TCty Sông Đà khi áp dụng công nghệ đào hầm trong đất NATM (phương pháp đào hầm kiểu của Áo). Công nghệ mà đã áp dụng thành công trong thi công hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, đèo Ngang.
Ông Tư vấn trưởng Hara Isao, tư vấn giám sát phần vốn JICA cũng đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của nhà thầu, đặc biệt là TCty Sông Đà để đạt được những thành tích về tiến độ cũng như chất lượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công hầm (không để xảy ra bất cứ vụ tai nạn lao động nào). Ông Ira Isao nhấn mạnh, “ Với kết quả khả quan này sẽ đưa công nghệ thi công hầm NATM trở nên phổ biến đối với công tác quy hoạch và đối với việc xây dựng các công trình hầm đường bộ ở Việt Nam”.
Lê Mỹ