Chương trình thanh tra cá da trơn do Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa ban hành thực chất là một quyết định mang tính
bảo hộ thương mại, được ví như “chiếc thòng lọng” mới siết vào con cá da trơn của Việt Nam.
Quyết định gây tranh cãi
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 25.11 đã ban hành các quy định mới đối với những nhà cung cấp cá da trơn, trong đó yêu cầu tiến hành thanh tra tại chỗ các trang trại và các nhà xưởng chế biến đối với cả những nhà sản xuất trong và ngoài nước (hầu hết từ Việt Nam), nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn đồng nhất.
Thu hoạch cá tra tại huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Thọ
Những quy định mới này dự kiến có hiệu lực từ tháng 3.2016 và sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong hơn 18 tháng, theo đó cho phép các nhà cung cấp nước ngoài có thời gian để tiến hành những thay đổi cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của USDA.
Những nông dân nuôi cá da trơn ở Mỹ, tập trung chủ yếu ở các tiểu bang Mississippi và Alabama, trong những năm gần đây đã bị ảnh hưởng trước tình trạng Mỹ nhập khẩu cá da trơn của Việt Nam với tốc độ nhanh chóng. Hiện cá da trơn là món thủy sản phổ biến thứ 6 ở Mỹ.
Các nhà sản xuất Mỹ đã cáo buộc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này (FDA) không chịu ngừng nhập khẩu cá da trơn chứa kháng sinh và các hóa chất bị cấm khác, đồng thời thuyết phục các nghị sĩ thông qua đạo luật cho phép thực thi chương trình giám sát cá da trơn mới - lần đầu tiên được đưa vào Luật Nông trại năm 2008 và được tái khẳng định trong năm 2014.
Việc quy định mới này được ban hành đã đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà sản xuất cá da trơn ở Mỹ và đặc biệt ở Việt Nam- nước xuất khẩu cá da trơn (chủ yếu cá tra Việt Nam) lớn nhất vào Mỹ. Nhiều ý kiến quan ngại rằng hoạt động nhập khẩu cá da trơn sẽ bị cấm cho tới khi các nhà sản xuất có thể đáp ứng những yêu cầu mới của USDA, đồng thời sẽ gây ra trở ngại lớn cho lĩnh vực xuất khẩu quan trọng.
Trong khuôn khổ Luật Nông nghiệp, nhập khẩu cá da trơn có thể rõ ràng sẽ bị cấm trong vài năm tới để các thanh tra nước ngoài chuyển từ các thủ tục thanh tra của FDA sang đáp ứng các thủ tục của USDA.
Cơ quan Giải trình chính phủ (GAO) đã thanh tra Văn phòng Cá da trơn này và có đến 4 báo cáo kết luận rằng đây là một sự chồng chéo quản lý và lãng phí. GAO cảnh báo rằng Văn phòng Cá da trơn sẽ làm chia rẽ hệ thống an toàn thực phẩm nếu bỏ trách nhiệm thanh tra thủy sản của FDA.
Một sự lãng phí lớn
Theo Hãng tin Reuters, trong thời kỳ 18 tháng, ít nhất các nguồn cung cá da trơn từ nước ngoài vào Mỹ sẽ phải chịu thanh tra từng quý và lấy mẫu để kiểm dịch. Các cơ sở xuất khẩu từ nước ngoài sẽ có khoảng 90 ngày để chuẩn bị các tài liệu để gửi về USDA trước khi xuất khẩu.
Với quy định mới này, một số nhà lập pháp Mỹ đã gần như ngay lập tức lên tiếng phản đối chương trình thanh tra cá da trơn, cho rằng quy định là một ví dụ điển hình của sự lãng phí và một rào cản thương mại chỉ để nhằm bảo vệ một ngành công nghiệp nhỏ chủ yếu nằm ở tiểu bang Mississippi.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John Mc Cain cho rằng: “Kết quả của chương trình bảo hộ này là hàng năm phải chi khoảng 15 triệu USD chỉ để cho phép các quan chức chính phủ áp đặt các rào cản về nhập khẩu cá da trơn nước ngoài và kết quả là làm tăng giá mặt hàng cá da trơn cho người tiêu dùng, các nhà hàng và ngành chế biến thủy sản của Mỹ”.
Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen nhấn mạnh: “Tôi vô cùng thất vọng với quyết định của chính quyền Tổng thống Obama khi ban hành những quy định không cần thiết và gây hại này. Quyết định này chỉ để xoa dịu một nhóm lợi ích nhỏ. Các quy định này không có gì để làm với an toàn thực phẩm và là một sự lãng phí tiền thuế nghiêm trọng. Thay mặt cho các doanh nghiệp thủy sản ở địa phương và những người dân nộp thuế ở Mỹ, tôi cam kết sẽ phản đối chương trình thanh tra này”.
Ông Jeanne Shaheen nhấn mạnh: “Chương trình thanh tra cá da trơn của USDA cũng có thể trở thành tranh chấp tiếp theo mà Mỹ phải đối phó với các nước khác tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là một rào cản thương mại bất hợp pháp mà làm cho nền kinh tế Mỹ dễ bị tốn kém”.
Trang mạng foodsafetynews.com ngày 26.11 trích dẫn lời ông Gavin Gibbons - Phát ngôn viên của Viện Thủy sản quốc gia Mỹ cho biết, chương trình thanh tra cá da trơn đang làm cho cả các ngành không phải thủy sản như các nhà xuất khẩu thịt lợn, thịt bò, ngũ cốc, đậu tương cũng phải chịu rủi ro.
Cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là cá tra Việt Nam, dưới dạng chế biến filê đông lạnh. Mỹ là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam. Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá tra, cá basa sang thị trường Mỹ năm 1996. Năm 1998, lượng cá filê của Việt Nam xuất sang đây mới chỉ 260 tấn, nhưng đến cuối năm 2001 đã vọt lên 7.746 tấn. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu cá tra hàng năm. Năm 2015 này, tính đến hết tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 260,7 triệu USD. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ thời gian gần đây sụt giảm đáng kể, nguyên nhân được cho là cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá cao tại thị trường này.
T.L