Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10736
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010
BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 70/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2007                          
 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia

về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010

Căn cứ Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đến năm 2010 như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các Dự án của Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động (sau đây gọi tắt là Chương trình Bảo hộ lao động) theo Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm:

a) Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bảo hộ lao động;

b) Cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, tập trung giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, sử dụng điện và xây dựng;

c) Tăng cường công tác phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn;

d) Nâng cao chất lượng công tác bảo hộ lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

đ) Tăng cường phòng, chống bệnh nghề nghiệp;

e) Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, phát huy vai trò của quần chúng tham gia công tác bảo hộ lao động;

f) Nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ an toàn - vệ sinh lao động.

2. Cơ chế quản lý tài chính đối với Chương trình Bảo hộ lao động thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; các văn bản hướng dẫn về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia hiện hành.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Chương trình Bảo hộ lao động, chịu trách nhiệm tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nội dung và hiệu quả sử dụng kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động.

4. Kinh phí thực hiện Chương trình bảo hộ lao động hàng năm được bố trí trong dự toán chi ngân sách của các Bộ, ngành chủ trì dự án và dự toán chi ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ Chương trình (nếu có). Cùng với nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ưu tiên bố trí ngân sách địa phương; lồng ghép với các Chương trình, hoạt động khác có liên quan trên địa bàn để thực hiện các mục tiêu của Chương trình Bảo hộ lao động theo Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đối với các Dự án của Chương trình Bảo hộ lao động có nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí từ nguồn vốn xây dựng cơ bản của Chương trình và thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung và mức chi cho các dự án thuộc chương trình

1.1. Chi xây dựng và hoàn thiện các chính sách về bảo hộ lao động, an toàn - vệ sinh lao động: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 100/2006/TT-BTC ngày 23/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

1.2. Chi cho các cuộc điều tra theo nội dung chuyên môn của từng dự án được Bộ, ngành chủ dự án phê duyệt: nội dung và mức chi cụ thể áp dụng theo quy định hiện hành về hướng dẫn quản lý kinh phí chi cho các cuộc điều tra thuộc nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách nhà nước.

- Đối với cuộc điều tra phải đo môi trường lao động, chi cho các hoạt động đo, kiểm tra môi trường lao động áp dụng theo các mức thu quy định tại Thông tư số 83/2002/TT-BTC ngày 25/09/2002 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí về tiêu chuẩn đo lường chất lượng;

- Đối với các cuộc điều tra phải khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp: nội dung và mức chi cho các hoạt động này áp dụng theo các văn bản hiện hành về quản lý, sử dụng phí, lệ phí y tế dự phòng.

1.3. Chi xây dựng tài liệu, giáo trình giảng dạy về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động: mức chi theo quy định hiện hành về hướng dẫn nội dung chi, mức chi biên soạn chương trình khung, giáo trình môn học. Trong đó:

- Chi xây dựng tài liệu huấn luyện cho người lao động áp dụng mức chi đối với xây dựng giáo trình cho các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

- Chi xây dựng tài liệu huấn luyện cho người sử dụng lao động, giảng viên, cán bộ chuyên trách về an toàn - vệ sinh lao động áp dụng mức chi xây dựng giáo trình cho các trường đại học.

1.4. Chi thông tin, tuyên truyền, bao gồm:

a) Chi thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí: thực hiện theo hình thức hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng;

b) Chi in ấn các ấn phẩm, sách, tranh, ảnh, phim tuyên truyền trên đĩa CD; chi làm pa nô, khẩu hiệu, thiết kế và nâng cấp trang Web: Mức chi theo sản phẩm thực tế phù hợp với giá cả trên thị trường;

1.5. Chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ:

a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, cán bộ công đoàn phụ trách bảo hộ lao động cấp trên cơ sở về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước.

b) Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện về bảo hộ lao động, an toàn lao động và vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, cán bộ công đoàn cấp cơ sở làm công tác bảo hộ lao động:

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn kinh phí Chương trình Bảo hộ lao động để chi các nội dung sau:

+ Chi thù lao giảng viên; chi phí cho việc đi lại, ăn, ở của giảng viên;

+ Chi phí tổ chức lớp học, bao gồm: thuê hội trường, phòng học, thiết bị phục vụ học tập; văn phòng phẩm, tài liệu, giáo trình giảng dạy; chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát thực tế; chi phí ăn, ở cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo trong trường hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở đào tạo.

Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước.

- Cơ quan, đơn vị cử người đi học hỗ trợ các khoản chi đi lại, ăn, ở cho người sử dụng lao động và người lao động: mức chi thực hiện theo Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/03/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

1.6. Chi hội nghị chuyên đề, tổng kết tình hình thực hiện Dự án; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án: nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/03/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

1.7. Chi tổ chức các cuộc thi, bao gồm các nội dung chi sau:

a) Biên soạn đề thi và đáp án (bao gồm cả biểu điểm): tối đa không quá 500.000 đồng/đề thi;

b) Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày.

c) Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức: tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày;

d) Thuê địa điểm, hội trường, phương tiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu phù hợp với yêu cầu chuyên môn;

đ) Giải thưởng:

+ Giải tập thể: từ 200.000 đồng/giải thưởng đến 2.000.000 đồng/giải thưởng.

+ Giải cá nhân: từ 100.000 đồng/giải thưởng đến 1.000.000 đồng/giải thưởng.

Tuỳ theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi quyết định mức chi giải thưởng cụ thể trong khung mức chi nêu trên trong phạm vi dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao.

e) Tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc thi: 500.000 đồng/báo cáo.

1.8. Chi nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ sản xuất thử nghiệm gắn với nội dung của dự án theo đề cương nghiên cứu đã được Bộ, ngành chủ dự án phê duyệt: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKH&CN ngày 04/10/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKH&CN ngày 07/05/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

1.9. Chi hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý an toàn - vệ sinh lao động trong doanh nghiệp:

a) Chi nghiên cứu xây dựng mô hình: nội dung và mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện hành.

b) Chi cho các hoạt động để triển khai điểm mô hình quản lý an toàn vệ sinh lao động: Tập huấn hướng dẫn mô hình; khảo sát, học tập kinh nghiệm mô hình; hỗ trợ vận hành thử mô hình; kiểm tra, giám sát, đánh giá mô hình. Nội dung và mức chi thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

c) Chi mua bản quyền mô hình quản lý phải gắn với mô hình cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà nước hỗ trợ tối đa 70% chi phí mua bản quyền (không bao gồm kinh phí mua nhà xưởng, nhà lưới, nhà kính, thiết bị công nghệ). Quy mô, mức hỗ trợ cho từng mô hình cụ thể do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét quyết định.

1.10. Đối với các khoản chi khác: Căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp theo quy định hiện hành.

2. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình:

Các nguồn kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động được quản lý, dự toán, phân bổ và quyết toán theo các quy định hiện hành của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:

2.1. Lập dự toán:

a) Căn cứ nội dung và tổng mức vốn thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 233/2006/QĐ-TTg ngày 18/10/2006, cơ quan chủ quản dự án chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tổng mức kinh phí cho từng dự án và phân kỳ kinh phí theo từng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và tổng hợp chung cả Chương trình gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

b) Hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, căn cứ mức kinh phí từng dự án đã được phân kỳ từng năm, cơ quan chủ trì dự án phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán chi tiết các hoạt động của dự án trong năm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/7 để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2.2. Phân bổ và giao dự toán:

a) Hàng năm, căn cứ tổng mức kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động được cấp có thẩm quyền thông báo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan chủ trì dự án phân bổ kinh phí cho các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ thực hiện trong năm. Kết quả phân bổ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị có nhiệm vụ thực hiện dự án cùng với các khoản chi ngân sách nhà nước khác theo quy định hiện hành.

b) Kinh phí thực hiện Chương trình Bảo hộ lao động được phân bổ theo loại, khoản tương ứng và nhóm mục của mục lục ngân sách nhà nước, đồng thời phân bổ và hạch toán theo mã số của Chương trình. Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể mã số chương trình Bảo hộ lao động bằng văn bản riêng.

2.3. Sử dụng và quyết toán kinh phí:

a) Các nguồn kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động được quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán các nguồn kinh phí của Chương trình Bảo hộ lao động theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Quyết toán kinh phí Chương trình Bảo hộ lao động được tổng hợp vào quyết toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định.

b) Đối với các hoạt động của Chương trình Bảo hộ lao động do cơ quan chủ trì dự án ký hợp đồng với các cơ quan phối hợp thực hiện thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại cơ quan chủ trì dự án, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì dự án phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác; các chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện lưu giữ theo quy định hiện hành.

c) Các doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động của Chương trình Bảo hộ lao động (ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ) được chi theo nội dung và mức chi quy định tại Thông tư này và hạch toán vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế thu nhập theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

d) Các Dự án thuộc chương trình Bảo hộ lao động mua sắm trang thiết bị, hàng hoá, vật tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; đối với những hàng hoá, dịch vụ đặt hàng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/01/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước.

2.4. Chế độ báo cáo:

Thủ trưởng các Bộ, ngành chủ trì dự án, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm báo cáo tình hình tài chính và kết quả thực hiện các Dự án gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định hiện hành đối với Chương trình mục tiêu quốc gia.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
(Đã ký)
   
Lê Bạch Hồng
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Tin bài liên quan
Loading...