Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10707
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Thuốc BVTV đang được sử dụng tràn lan, thiếu kiểm soát.
Trong vô vàn các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay, Việt Nam đang hạn chế sử dụng 13 hoạt chất và cấm đưa vào sử dụng tới 29 hoạt chất.
 
 
bao ho lao dong
 
Thuốc BVTV đang được sử dụng tràn lan, thiếu kiểm soát. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
 
Thiếu dịch vụ trọn gói cho BVTV

Theo điều tra năm 2014 của Cục BVTV (Bộ NN&PTNT), cả nước có khoảng trên 600 tổ dịch vụ BVTV, nhưng chủ yếu chỉ thực hiện việc... phun thuốc (chiếm trên 60%), còn dịch vụ trọn gói từ điều tra sâu bệnh, cung ứng, phun thuốc thuê còn rất thấp (chỉ đạt 2,6%).
 
Trong lĩnh vực trồng trọt, khâu BVTV đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Tuy nhiên, vì nông dân thường có kiến thức còn hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc BVTV, nên dẫn tới tình trạng thuốc BVTV bị lạm dụng, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất ATTP.
 
Thêm vào đó, đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc BVTV hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong BVTV chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc BVTV vẫn tồn tại từ rất lâu cho đến nay.
 
Thực tế, hiện nay dịch vụ về hoạt động BVTV đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương, song hiệu quả vẫn còn hạn chế.
 
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định qua kiểm tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trong năm 2014 với 13.912 hộ nông dân, Cục đã phát hiện 4.167 hộ vi phạm, chiếm 29,9%.
 
Các vi phạm chủ yếu là người nông dân không có phương tiện bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, bao bì vứt bừa bãi không đúng nơi quy định…
 
Theo ông Trung, mạng lưới BVTV cấp xã còn nhiều yếu kém, nhất là việc chưa tham mưu cho chính quyền địa phương về chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cây trồng, cũng như biện pháp quản lý và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn.
 
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long chia sẻ, tại địa phương này, nông dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc có hiệu quả tức thời hoặc loại thuốc cực độc khi muốn đạt được hiệu quả như ý và kịp thu hoạch để mang đi bán.
 
Theo ông Liêm, cần phải duy trì được các hệ thống dự báo dịch hại trên cây trồng. Hiện nay chúng ta mới tập trung triển khai trên cây lúa, trên các loại cây trồng khác còn hạn chế. Chúng ta đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trong lĩnh vực trồng trọt ở địa phương, nếu chuyển dịch được sang trồng rau màu, cây ăn trái thì hiệu quả cao, cho thu nhập gấp từ 3-5 lần so với trồng lúa. Vì thế, hệ thống dự báo dịch hại cho các cây trồng khác ngoài lúa cũng cần được đầu tư, chú ý.
 
Không điều hành “nặng về kỹ thuật”
 
Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hiện nay còn phổ biến dẫn đến chi phí tăng cao, gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
 
Trong năm 2014, qua thanh, kiểm tra 48 cơ sở sản xuất thuốc BVTV, cơ quan chức năng đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm, chiếm 18,8%. Ngoài ra, qua thanh, kiểm tra 12.347 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV đã phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm, chiếm 13,8%.
 
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục, kém chất lượng, hết hạn sử dụng…
 
Mặc dù từ nhiều năm nay Bộ NN&PTNT đã quyết liệt chỉ đạo, song những con số trên cho thấy công tác quản lý thuốc BVTV rõ ràng vẫn còn nhiều bất cập.
 
Đòi hỏi hạn chế được tình trạng này ngay lập tức là rất khó khăn. Bởi, những bất cập cũ chưa giải quyết dứt điểm thì việc giải quyết khó khăn phát sinh khi các địa phương cùng chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp của mỗi nơi là điều không đơn giản.
 
Đặc biệt, các cơ sở vi phạm về sản xuất, buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV vẫn liên tục tái phạm, nên mối lo ngại về chất lượng ATTP nông sản chưa thể làm người tiêu dùng an tâm.
 
Năm 2015 được Bộ NN&PTNT chọn là "Năm ATTP", do đó theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý thuốc BVTV. Nhất là rất cần sự sát sao chỉ đạo của địa phương.
 
Theo ông Lê Quốc Doanh hiện nay, nhiều nơi điều hành việc quản lý sử dụng thuốc BVTV còn nặng về mặt kỹ thuật. Quan trọng nhất của công tác đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc BVTV chính là việc nâng cao kiến thức về các loại thuốc, cũng như cách sử dụng chúng cho người nông dân.
 
“Chính vì nông dân không có thông tin nên mới sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của người bán. Do không có thông tin về thuốc mình sử dụng, nên khi có bệnh dịch cho thuốc mới khó giải quyết. Chúng ta có mạng lưới hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV, nhưng nông dân vẫn tiếp cận khó, vì vậy cần xem xét lại hệ thống”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
 
Chủ động, tích cực trong công tác dự tính dự báo, ngăn chặn kịp thời sự phát sinh, gây hại của dịch hại trên cây trồng của ngành BVTV đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung trong năm qua.
 
Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD của ngành Nông nghiệp trong năm 2014, có đến 7 mặt hàng thuộc về lĩnh vực trồng trọt, đem lại kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp gần 31 tỷ USD.
 
Con số này cho thấy, việc đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc về BVTV không những có ý nghĩa với sức khỏe của người dân Việt Nam, mà đó chính là việc “đem chuông đi đánh xứ người” của nông sản Việt.
 
"Tiếng chuông" rè hay ngân vang phụ thuộc rất nhiều vào kiến thức và ý thức của người làm chuông và người đánh chuông - đó chính là những người nông dân, doanh nghiệp và đặc biệt là những nhà quản lý nông nghiệp hiện nay.
 
Đỗ Hương
Tin bài liên quan
Loading...