Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 3
Tổng lượt truy cập: 10306
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
“Thưởng phạt” ở Công ty đóng tàu Hồng Hà

Tôi đang chăm chú đọc khẩu hiệu “Chất lượng sản phẩm là tài sản của Công ty chúng tôi”  tại một phân xưởng của Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) thì Đại tá Nguyễn Văn Đắc, Chính ủy Nhà máy đi lại. Dường như đã quen với những “vị khách” hay quan tâm đến những điều khác biệt, anh Đắc nói ngay: Chất lượng là danh dự của người thợ, nó đánh giá đúng năng lực của từng người, tạo ra một sản phẩm tốt cho khách hàng, giữ vững uy tín của công ty. Chất lượng sản phẩm chính là cơm, áo, gạo, tiền của người lao động. Sản phẩm tốt thì bán được nhiều, công ty có nhiều hợp đồng, nhiều việc làm hơn, thu nhập của chúng tôi cao hơn.

Khen thưởng đúng người, đúng việc

Nghe Chính ủy Nguyễn Văn Đắc giải thích, tôi liền hỏi: Khẩu hiệu này liệu có phải là một chủ đề của phong trào thi đua không anh?

-Đây không phải là chủ đề mà nó là “mệnh lệnh hành động” xuất phát từ trái tim của người lính thợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mệnh lệnh này chính là cơ sở quan trọng để chúng tôi bình xét, khen thưởng trong phòng trào thi đua lao động sản xuất ở Công ty.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Để khen thưởng đúng người, đúng việc, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đóng tàu Hồng Hà đã ban hành quy chế “thi đua-khen thưởng” khá đầy đủ và chi tiết. Điều đáng nói ở đây là khen thưởng như thế nào để khơi dậy được tinh thần hăng say lao động, sáng tạo của cán bộ, công nhân viên mới thực sự là một bài toán khó.

 

Nhóm khoa học trẻ của Nhà máy đang kiểm tra các thiết bị sản xuất tại phân xưởng cơ khí.

Băn khoăn với “bệnh hình thức trong khen thưởng” lâu nay ở một số đơn vị, chúng tôi được Chính ủy Nguyễn Văn Đắc chia sẻ: Trên thực tế, đã có nhiều đơn vị chưa đánh giá đúng việc khen thưởng. Nhiều đơn vị đã bỏ ra một số tiền lớn để “thưởng” cho cá nhân, tập thể có những thành tích chỉ để lại “trên giấy”, nhưng  cũng không ít đơn vị phần thưởng lại quá ít, không xứng đáng với công sức mà cá nhân, tập thể bỏ ra. Vô hình chung, khen thưởng đã làm mất dần đi tính khách quan, không trở thành động lực để cán bộ, công nhân viên phấn đấu, vươn lên…

Trước thực trạng trên, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đóng tàu Hồng Hà đã bàn nhiều biện pháp, làm sao khen thưởng phải trở thành động lực thực sự, là mục tiêu để toàn thể cán bộ, công nhân viên “đua đuổi vượt nhau” trong lao động sản xuất, trong thực hiện nhiệm vụ.

Để làm được điều này, lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy đã đặt mình vào vị trí người lao động, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ, từng bước động viên, phát huy sở trường của cá nhân, tập thể. Trên cơ sở đó, đưa nhiệm vụ của từng bộ phận thành các nội dung, chỉ tiêu trong phòng trào thi đua. Vào từng thời điểm, tổ chức đột kích vào những việc yếu, việc khó, việc mới… Khi cá nhân, tập thể hoàn thành nhiệm vụ, tiến hành sơ tổng kết, khen thưởng kịp thời theo đúng quy chế đã đề ra. Đặc biệt, với những cá nhân, tập thể có nhiều sáng tạo, làm lợi cho Công ty sẽ tuyên truyền nhân rộng trong đơn vị để mọi người học tập noi theo.

Nói về khen thưởng trong phong trào thi đua, Đại tá Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cho biết: Khen thưởng là việc làm hết sức quan trọng, khích lệ cán bộ, công nhân viên hăng hái lao động sản xuất. Chính vì vậy, khi phát động thi đua, chúng tôi sẽ lựa chọn nội dung phù hợp với công việc của từng người, từng đối tượng phòng ban, có chỉ tiêu thi đua cụ thể để từng người công nhân bình thường đến giám đốc đều có thể đóng góp hết công sức của mình.

Thiếu tá Lê Văn Chung, Trưởng phòng KCS, Đội trưởng Đội khoa học trẻ của Nhà máy cho biết: Nhờ làm tốt công tác thi đua-khen thưởng mà lực lượng trẻ trong Nhà máy đã đem hết tài năng, trí tuệ cống hiến cho đơn vị. Chỉ tính riêng năm 2012, Đội khoa học trẻ của Nhà máy đã thực hiện được 1 đề tài cấp bộ, đạt giải nhì giải thưởng về khoa học công nghệ VIFOTEC và 23 sáng kiến, 9 cải tiến giải pháp công nghệ, hợp lý hóa trong sản xuất, làm lợi cho Nhà máy hơn 1 tỷ đồng.

Dân chủ trong khen thưởng

Việc khen thưởng đúng người, đúng việc ở Công ty đóng tàu Hồng Hà xuất phát từ vấn đề dân chủ bàn bạc. Cấp trên không áp đặt khen thưởng cấp dưới mà khen thưởng cho ai, thưởng như thế nào đều do các cấp dân chủ bàn bạc, thảo luận và tôn vinh. Ngay trong quy chế thi đua-khen thưởng của Nhà máy đã quy định rất rõ: Khen thưởng phải công khai, chính xác, công bằng, kịp thời. Khen thưởng thường xuyên định kỳ hàng năm phải qua so sánh, lựa chọn trong đơn vị thông qua bình xét từ dưới lên.

Đại tá Nguyễn Văn Đắc, Chính ủy Nhà máy cho biết: Chủ trương của Nhà máy là thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới khen thưởng ở mức cao hơn. Đây cũng là một trọng những biện pháp linh hoạt của Nhà máy đã kích thích được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công nhân viên khi đảm nhiệm công việc khó, việc mới.

Nhà máy cũng có một chế độ khen thưởng đặc biệt, đó là cán bộ, công nhân viên làm việc trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng rộng thì được xem xét đề nghị khen thưởng với mức cao hơn.

Theo phản ánh của cán bộ, công nhân viên thì việc khen thưởng được lãnh đạo, Ban giám đốc Công ty hết sức linh hoạt, không máy móc, cứng nhắc, chẳng hạn: Với các trường hợp vi phạm quy chế, quy định bị phạt hành chính mức độ nhẹ (trừ trường hợp vi phạm quy định an toàn lao động, an toàn giao thông, kỷ luật công nghệ) nếu có thành tích tốt và tích cực trong lao động sản xuất và công tác, được tập thể ghi nhận vẫn đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu lao động tiên tiến. Hay đối với các trường hợp đủ tiêu chuẩn, song do quá tỷ lệ theo quy định, chỉ huy các phòng, ban, phân xưởng phải có báo cáo danh sách đề nghị riêng, trong đó nêu rõ thành tích đạt được của các trường hợp đề nghị thêm, gửi về thường trực hội đồng; thường trực hội đồng báo cáo hội đồng để xem xét quyết định.

Thưởng đúng + Kỷ luật nghiêm = Thành quả

Khẩu hiệu: “Chất lượng sản phẩm là tài sản của Công ty chúng tôi” không chỉ là lời cam kết, khẳng định uy tín với khách hàng, mà nó còn làn mệnh lệnh để cán bộ, công nhân viên Công ty đóng tàu Hồng Hà chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật trong lao động sản xuất. Vì vậy, bất kỳ công việc gì, dù nhỏ hay lớn, khi triển khai, đơn vị cũng đặt yếu tố kỷ luật lên hàng đầu.

 Đại tá Nguyên Văn Cường, Giám đốc Nhà máy chia sẻ: Đã từ lâu, chấp hành giờ giấc làm việc đã trở thành ý thức tự giác của mỗi người, không có hiện tượng cán bộ, công nhân đi muộn về sớm hay đến cơ quan chỉ để “ngồi chơi xơi nước”, toàn Công ty là một guồng máy, hoạt động ăn khớp, nhịp nhàng.

Việc mang mặc bảo hộ lao động được Nhà máy thực hiện một cách nghiêm ngặt. Nếu phát hiện một công nhân không đội mũ bảo hiểm hoặc không đi giầy trong quá trình sản xuất, lập tức cho dừng công việc, người quản lý công nhân đó cũng liên đới, chịu trách nhiệm.

Nói như vậy để thấy rằng, tính kỷ luật ở Công ty đóng tàu Hồng Hà được phát huy cao độ. Nhiều năm qua, Công ty không có trường hợp vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhất là kỷ luật trong sản xuất, kỷ luật khi tham gia giao thông. Cán bộ, công nhân viên đoàn kết, đồng sức, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ. Chính điều đó đã mang lại thành quả lớn cho Nhà máy.

 Những con tàu hiện đại mang nhãn hiệu Madein Việt Nam do Nhà máy đóng tàu Hồng Hà đã và đang xuất khẩu đi muôn nơi, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn. Với hình thức “thi đua-khen thưởng hợp lý”, với lòng yêu nghề, say mê sáng tạo, những “đôi bàn tay vàng” của lính thợ Hồng Hà sẽ có nhiều cơ hội khẳng định uy tín, đẳng cấp của mình trong lĩnh vực đóng tàu trên khắp thế giới.

Tin bài liên quan
Loading...