Tiêu thụ hàng Việt, doanh nghiệp còn “bị trói” nhiều
Sáng 19/8, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau”.
Gần 71.000 tỷ đồng mua hàng hóa được ký kết
Qua 2 năm thực hiện chương trình đã có nhiều hợp đồng được ký kết với tổng giá trị xấp xỉ 71.000 tỷ đồng (chưa kể các hợp đồng mua bán điện, xăng dầu). Kết quả nổi bật như tiêu thụ mặt hàng quần áo
bảo hộ lao động có giá trị khoảng 55,6 tỷ đồng; giấy in ram và giấy copy 165 tỷ đồng, máy thiết bị điện 4.164,4 tỷ đồng, thép xây dựng 5.200 tỷ đồng...
Theo Bộ Công thương, việc triển khai thỏa thuận sử dụng sản phẩm của nhau đã có tính lan tỏa, không chỉ giới hạn trong việc hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ mà còn mở rộng với các công ty, doanh nghiệp sản xuất trong nước ngoài Bộ.
Ví như, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn ưu tiên mua các sản phẩm, thiết bị điện, các máy móc phục vụ xây dựng, các loại vật liệu xây dựng... đã được mua từ các đơn vị sản xuất trong nước. Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn luôn ưu tiên sử dụng các sản phẩm sản xuất trong nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh như xi măng Hà Tiên, cáp điện Cadivi, bóng đèn và thiết bị điện Điện Quang, gạch men và thiết bị vệ sinh Vilacera, thép miền Nam... với tổng giá trị lên đến trên 108 tỷ đồng... Đây cũng là một kết quả thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban chỉ đạo Chương trình hành động Bộ Công thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát động.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty cũng góp phần giảm tình hình tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; và tăng thị phần tại thị trường trong nước của các sản phẩm từ các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ.
Vướng mắc vẫn còn nhiều
Bên cạnh những kết quả trên, các tập đoàn, tổng công ty còn gặp nhiều vướng mắc khi ưu tiên sử dụng hàng hóa lẫn nhau nói riêng và sử dụng hàng Việt nói chung do các quy định của pháp luật về đấu thầu, khiến các đơn vị thành viên tập đoàn, tổng công ty không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Đồng thời, việc thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên một số doanh nghiệp phải vay phần lớn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hoá phải cung cấp từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, hàng hóa được sản xuất trong nước vẫn chưa đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng chưa đảm bảo nên chưa cạnh tranh được với các mặt hàng ngoại nhập. Đồng thời trong khâu cung ứng đòi hỏi hàng hóa số lượng, chất lượng đảm bảo thống nhất, tiến độ giao hàng cũng là vướng mắc ở một số ở doanh nghiệp. Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty cần các loại hàng hoá đặc chủng có tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhưng trong nước chưa sản xuất được, khiến phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Một số tập đoàn, tổng công ty sau khi ký Thỏa thuận chưa ký kết được các hợp đồng bán sản phẩm hoặc chỉ bán được với số lượng ít do khoảng cách về địa lý hoặc các sản phẩm sản xuất ra là nguyên, nhiên vật liệu chuyên dùng, máy móc đặc thù hoặc sản phẩm mới trên thị trường nên không có đầu ra tiêu thụ, gặp nhiều khó khăn trong việc giải phóng hàng tồn kho.
Để giải quyết các bất cập trên, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển sản xuất, sáng tạo sản phẩm mới. Có chính sách hỗ trợ về vốn và kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị nghiên cứu như viện, trường để phát triển sản xuất, sản phẩm kỹ thuật cao.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín trong nước để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử để quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh... Kiến nghị Chính phủ thúc đẩy truyền thông tuyên truyền thay đổi tập quán của người tiêu dùng, xây dựng ý thức tự bảo vệ của của người tiêu dùng trước hàng hóa kém chất lượng, mất an toàn cho sức khỏe.