Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10552
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tìm thị trường “ngách” trong hội nhập
Nhà nước không cần và cũng không nên có những chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp trong hội nhập vì sẽ trái quy ước, thông lệ quốc tế
 
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã, đang tham gia đàm phán ký kết đánh dấu cột mốc hội nhập sâu rộng hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, sau việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Ngay cả những ngành được đánh giá có lợi thế vẫn sẽ đối diện thách thức trên sân nhà, nếu DN không chuẩn bị, ứng phó từ bây giờ.
 
Bao bì cũng phải nhập...
 
Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong 20 năm qua gần như không có nhiều thay đổi tích cực, khi các ngành sản xuất phần lớn là gia công cho nước ngoài, từ điện tử đến dệt may, da giày... Ngay với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, bao bì cho sản phẩm thực phẩm ăn liền cũng phải nhập từ nước ngoài, đang trở thành yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của DN trong hội nhập.
 
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Food, cho biết với dòng sản phẩm cháo tươi ăn liền đóng gói của công ty, toàn bộ bao bì phải nhập từ nước ngoài, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình sản xuất. Thời gian từ lúc đặt hàng cho tới khi có sản phẩm hoàn chỉnh phải mất 2 tháng, nếu sức tiêu thụ thị trường tăng đột biến thì DN sẽ rất khó khăn. Đây là hệ quả của việc công nghiệp hỗ trợ không theo kịp ngành chế biến nên sức cạnh tranh của DN không đồng bộ.
 
 
 


Hội nhập là cơ hội cho ngành nông nghiệp nhưng cần nâng chất lượng hơn nữa để tăng cạnh tranh và giữ vững được thị trường nội địa. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch mía ở tỉnh Hậu Giang Ảnh: NGỌC TRINH
 
 
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm nay, các DN sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm của khu vực sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, họ có sản phẩm tương đồng mà giá không cách biệt. Ngay chuyện bao bì, họ cũng hơn hẳn DN nội địa nhờ chủ động về mẫu mã và công nghệ hiện đại. Đây là thách thức rất lớn đối với DN Việt Nam nếu không chịu thay đổi.
 
Đối với TTP, ngành thủy sản Việt Nam sẽ không hưởng lợi nhiều từ ưu đãi thuế do thuế nhập khẩu các mặt hàng này đã giảm từ lâu. Trong khi đó, hàng rào phi thuế quan từ các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và các chính sách chống bán phá giá... vẫn còn là thách thức lớn đối với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
 
Nhìn ở góc độ lạc quan, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, cho rằng không phải có TPP chúng ta mới hội nhập vì Việt Nam cũng đã, đang tham gia hàng loạt FTA khác. Theo xu thế tất yếu của cơ chế thị trường, có cạnh tranh mới phát triển và ở một khía cạnh nào đó, hội nhập là cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển. Muốn cạnh tranh với hàng ngoại, thắng trên sân nhà thì cần có sản phẩm chất lượng và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Thành Thành Công đang dần hoàn thiện không chỉ khâu sản xuất mà còn cả khâu nguyên liệu đầu vào - từ trồng mía đến chủ động về bao bì, truy vết sản phẩm… - để bảo đảm hạt đường làm ra phải sạch, giá thành thấp nhất.
 
Theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, việc tham gia WTO năm 2007 đã mở ra cơ hội rất lớn cho cộng đồng DN Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam phát triển, do đó chúng ta không cần quá lo ngại với TPP sắp tới. Bản thân các DN sẽ tự tìm được hướng phát triển cho mình, vươn lên trong khó khăn. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trong giai đoạn sau WTO đến nay luôn ở mức 2 con số tăng trưởng GDP...
 
Làm sao có Samsung, Hyundai... của Việt Nam?
 
Tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn còn khá chuộng hàng ngoại. Một số sản phẩm của Việt Nam dù chất lượng rất tốt nhưng vẫn khó đến tay khách hàng do không có kinh phí truyền thông, quảng bá. Tâm lý ấy phần nào làm cho hàng Việt đang mất lợi thế cạnh tranh ngay trên sân nhà.
 
Để vượt qua khó khăn này, theo ông Phạm Hồng Dương, DN cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng thông qua đầu tư vào nghiên cứu, phát triển: tăng hàm lượng chất xám, thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ở nước ngoài, rất nhiều tập đoàn lớn cũng bắt đầu quá trình sản xuất trong nước, sau đó mới vươn ra quốc tế. Chẳng hạn, Hàn Quốc nếu không có các tập đoàn như Hyundai, Samsung thì không có ngành công nghiệp ô tô hay điện tử phát triển như hiện nay. Hoặc ở Thái Lan, ngành đường nổi tiếng nhờ sự phát triển của tập đoàn Mitr Phol... Làm sao Việt Nam xây dựng được những DN lớn mạnh như vậy trong hội nhập?
 
“Nhà nước không cần và cũng không nên có những chính sách bảo hộ lao động vì sẽ trái với quy ước theo thông lệ quốc tế nhưng cần xác định những DN mũi nhọn cho từng ngành rồi có chính sách khuyến khích, có quy hoạch để họ có thể phát triển ngành mũi nhọn đó. Các thương hiệu như ô tô Trường Hải, thực phẩm Vissan... cần được khuyến khích bằng những chiến lược hoạch định phát triển hài hòa, theo cơ chế thị trường, giúp DN có lợi thế cạnh tranh và người tiêu dùng cũng tin tưởng vào thương hiệu Việt” - ông Dương nhìn nhận.
 
 
Trong những hội thảo về hội nhập gần đây, rất nhiều DN và chuyên gia kinh tế đều đồng tình với quan điểm ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, Việt Nam cần xây dựng một số DN đủ mạnh, trở thành “sếu đầu đàn” để dẫn dắt thị trường. Khi đã có những DN phát triển, nhà nước mới ban hành các chính sách ràng buộc, yêu cầu họ dùng lợi nhuận tái đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ...
 
Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh:
 
Phải đầu tư cho đường sạch
 
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt, các DN luôn tìm cho mình lối đi riêng. Việt Nam có thị trường hơn 90 triệu dân là cơ hội không nhỏ nhưng quan trọng là DN phải làm sao để người tiêu dùng yên tâm dùng hàng Việt. Chúng tôi đang không ngừng nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm bằng cách kiểm soát chất lượng từ nông trại đến bàn ăn, như kiểm soát từ khâu chọn giống, phân bón, hữu cơ và đường sạch organic..., giúp giá trị gia tăng mang lại lớn hơn.
 
Nhìn cả thị trường Việt Nam, đối với ngành mía đường vào khoảng 300.000 tấn thì chỉ 20% loại đường có thương hiệu, nên đây sẽ là cơ hội phát triển lớn cho các DN nội. Quan trọng là làm sao để người tiêu dùng phải sử dụng đường sạch, có lợi cho sức khỏe thì khi đó, đường Việt Nam mới thắng trên sân nhà.
 
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Food:
 
Thêm kênh truyền thống để không “đi khập khiễng”
 
Chúng tôi xuất thân là một DN chế biến xuất khẩu thủy sản nhưng vẫn có chiến lược phát triển song song cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, do đặc thù sản phẩm của Saigon Food trong những năm qua chủ yếu là hàng đông lạnh nên kênh phân phối chủ lực là hệ thống các siêu thị.
 
Gần đây, chúng tôi đã quyết định xây dựng chiến lược phát triển thêm kênh phân phối truyền thống, đồng thời nghiên cứu nhiều sản phẩm phù hợp thị trường. Chiến lược này sẽ giúp Saigon Food tự tin hơn phát triển trong hội nhập, đồng thời phát triển vững vàng và bền vững hơn.
 
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Tôn Hoa Sen:
 
Đừng chỉ là mảnh đất màu mỡ cho DN ngoại
 
Chưa bao giờ áp lực hội nhập đối với cộng đồng DN lớn như bây giờ, những khó khăn, thách thức phải đối mặt hằng ngày là khôn lường. Lúc này, cần sự liên kết giữa các hiệp hội ngành nghề và cả cơ quan nhà nước để hỗ trợ DN tốt hơn.
 
Một nền kinh tế mà khối DN ngoại đóng góp vào tăng trưởng hơn một nửa, trong khi DN trong nước chỉ là những “vệ tinh” nhỏ bé thì cần suy nghĩ lại. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất quan trọng nhưng phải làm sao để DN nội tăng thị phần, phát triển và vươn lên dẫn đầu, thay vì để mảnh đất màu mỡ của hội nhập chỉ dành cho DN ngoại. Liệu các DN có thể sáng tạo ra một cách thức nào đó không vi phạm cam kết hội nhập nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước?
 
Linh Anh ghi
Tin bài liên quan
Loading...