Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10514
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Tô Hiến Thành- Người dám đánh cược cả sinh mạng vào lợn "organic"
Để có được những thành công như ngày hôm nay, ông Tô Hiến Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Trường Thành đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí phải đánh liều cả sinh mạng của mình. Ông được gọi với cái tên trìu mến “Vua lợn Organic”.
    
 

Tất cả vì…lợn
 
Khi chúng tôi tới trang trại thì ông đã đứng đợi sẵn trước cửa ngôi nhà sàn gỗ 2 tầng tuềnh toàng - vừa là “đại bản doanh”, vừa là phân xưởng sản xuất thức ăn gia súc. Dáng người đậm chắc, trong bộ bảo hộ lao động màu xám cũ, đầu tóc bù xù, trông ông giống một gã thợ cày nhiều hơn là vị “tỷ phú nhà nông”.
 
Ông nắm tay từng người, đưa chúng tôi vào chiếc bàn gỗ sơ sài kê ở giữa sàn nhà trống 4 bề. Nước trà loãng tếch pha bằng loại “chè bồm” (loại trà khô rẻ tiền) được ông rót vào những chiếc ly sứ hạt mít mời khách. Nhìn bộ ấm chén không hiểu sao tôi chợt nhớ tới “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn đầu những năm 80 thế kỷ trước. Ở thời điểm làm ăn cực thịnh của mình, “Vua lốp” vẫn dùng bao “ba số” mốc để tiếp khách...
 
 


Ông Tô Hiến Thành đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của đơn vị. ảnh: Trần Quang
 
Trong lúc “Vua lợn Organic” tiếp một vị khách đến chào hàng loại thuốc kháng sinh mới cho lợn, mà theo lời anh này, là hoàn toàn bằng thảo dược, tôi ghé vào căn phòng không có cửa ra vào, nơi kê chiếc giường đôi làm chỗ ngủ của vợ chồng ông. Căn phòng tuềnh toàng. Quần áo được vắt trên chiếc dây thừng buộc ở góc  phòng, điển hình của các nhà nông nghèo vùng Bắc Bộ.
 
... Dường như hiểu được những suy nghĩ của tôi, ông mỉm cười ý nhị, châm điếu thuốc lào, rít một hơi dài, chiếc điếu kêu vang át cả tiếng máy xát thức ăn gia súc đang chạy đều đều. Nhấp một ngụm trà, ông lại tủm tỉm cười, nhìn tôi: “Tất cả cho lợn Organic. Tất cả vì lợn Organic!”.
 
Trước khi đưa chúng tôi đi thăm trang trại lợn của mình, ông Thành gọi một công nhân vào kho lấy ra mấy bộ bảo hộ lao động. Ông Thành đưa cho từng người chúng tôi ủng và những bộ quần áo bảo hộ lao động còn thơm mùi vải mới... Điều đầu tiên khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên là dãy chuồng lợn được thiết kế hiện đại, thoáng mát, hết sức sạch sẽ, sàn chuồng được rải bằng loại thảm sinh học thấm nước, không hề có mùi hôi.
 
Vị tỷ phú kể cho chúng tôi rất nhiều chuyện về đàn lợn sạch của ông: Không những về kỹ thuật chăn nuôi, về cách phòng bệnh, chữa bệnh cho lợn mà còn cả cách vỗ về, âu yếm chúng ra sao. Nghe những câu chuyện say sưa của ông tôi có cảm giác ông hiểu rõ “tính tình, sở thích” từng con lợn ông hàng ngày “chăm bẵm”.
 
Có lẽ trong cuộc đời làm báo của mình, ông là người thứ hai biết “thương yêu và hiểu cặn kẽ con vật nuôi của mình” mà tôi từng gặp. Trước đó, tôi cứ nghĩ chỉ có “Người chăn bò vĩ đại”- Hồ Giáo mới có thứ “tình yêu mê muội” với những con trâu, bò của mình.
 
Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Trường Thành (xã Danh Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) do ông Tô Hiến Thành làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, có 7 trại lợn và 1 xưởng sản xuất thức ăn. HTX nuôi lợn theo một quy trình được kiểm soát hết sức khắt khe. Từ lợn giống đến nguồn thức ăn, cách chế biến đều là “tự cung, tự cấp”. “Vua lợn Organic” kể: “Bắt đầu từ đầu năm 2015 HTX tập trung vào đầu tư cho chăn nuôi. Cải tạo lại toàn bộ hệ thống chăn nuôi, từ chuồng trại, xây hầm biogas, xử lý rác thải, nuôi trồng và chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối thức ăn, đến giết mổ đều theo quy trình đảm bảo an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn Organic. Đặc biệt chúng tôi không lạm dụng thuốc kháng sinh và không bao giờ sử dụng các chất tăng trọng”.
 
Có lẽ vì vậy mà trong những thời điểm thịt lợn ở thị trường bán rẻ như cho, người nuôi lợn cả nước điêu đứng vì rớt giá, thì thịt siêu nạc của HTX Trường Thành giá không những không giảm mà còn không đủ để cung cấp cho chuỗi các nhà hàng, các trường học, các cơ sở - những khách hàng quen thuộc, chứ chưa nói gì tới bán lẻ.
 
 

 
Ông Tô Hiến Thành trò chuyện cùng tác giả bài báo. Ảnh: Trần Quang
 
Những lần vượt… ải tử
 
Đường đến thành công  ngày hôm nay của “Vua lợn Organic” Tô Hiến Thành quả thật chẳng dễ dàng gì. Ông và những cộng sự của mình đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, “thậm chí có khi còn đánh cược cả tính mạng của mình” (như lời ông).
 
“Tháng 2 năm 2000, từ trong làng tôi ra mảnh đất này và thuê 3,4ha đất với mục đích là để “làm ăn lớn”. Thời bấy giờ cây địa liền đang rất được giá. Xuất sang Trung Quốc bao nhiêu cũng hết. Xã cũng ký hợp đồng với tôi để trồng thêm cây thanh hao để xuất sang Trung Quốc. Tôi làm ngày làm đêm. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch thì đùng một cái, Trung Quốc không mua nữa. Hơn 60 tấn dược liệu quý trở thành… phân xanh. Quá đau…”- ông chủ Trường Thành buồn bã kể.
 
Bao nhiêu công sức đổ xuống sông xuống biển cả! “Thua keo này ta bày keo khác”- ông Tô Hiến Thành nghĩ vậy và trăn trở tìm hướng đi khác. Đúng vào dịp đó, tỉnh Bắc Giang có chính sách khuyến khích nông dân trồng dứa xuất khẩu. Được ngân hàng hỗ trợ 50% tiền đầu tư giống, lão tá điền Tô Hiến Thành lại hăm hở lao vào trồng dứa. Ông thuê thêm 3ha đất đồi. Hàng sáng sớm đi thăm gần 5ha dứa ngút ngàn, ông Thành như mở cờ trong bụng. “Đến mùa thu hoạch mấy ông tỉnh về thu mua, thế là đêm có thể vắt chân ngủ ngon lành để lo cho mùa sau rồi. Bụng bảo dạ thế. Dứa đến độ thu hoạch, chờ mãi chả thấy ai hỏi han gì. Lên tỉnh hỏi. “Không mua nữa”- câu trả lời như sét đánh ngang tai”- ông Thành nhớ lại.
 
Ông gần như sụp đổ. Nợ ngân hàng 132 triệu tiền giống. “Không trả, ngân hàng không cho vay tiếp thì chỉ có con đường chết. Mình là nông dân, cần có vốn để sản xuất”- châm điếu thuốc lào, rít một hơi dài, ông Thành nói như nghẹn lại. Không còn cách nào khác ông đành phải rao bán căn nhà mặt đường gia đình ông đang ở. “Bán căn nhà 2 tầng mặt phố. Thời bấy giờ chỉ có gia đình tôi mới có nhà 2 tầng. Bán được 126 triệu đồng, phải vay thêm 6 triệu đồng nữa mới đủ trả ngân hàng”- ông Thành nói.
 
Điện thoại reo. Ông Thành dừng câu chuyện. Sau chừng 5 phút tư vấn cho một kỹ thuật viên ở trại lợn trong HTX, ông quay trở lại bàn. Nhấp một ngụm trà, ông Thành kể tiếp: “Mặc dù tỉnh đã ký hợp đồng, nhưng rồi chả biết kiện ai bây giờ. Họ nói không mua nữa thì chúng tôi chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt. Tôi lại vay tiền ngân hàng, quay sang nuôi gà, vịt”.
 
“Sau hơn một năm trời mất ăn, mất ngủ, cặm cụi chăm sóc, 28 tết, nhìn cái cảnh phải đem 3.750 con gà, vịt đi chôn vì H5N1 mà tôi đau như cắt từng thớ thịt”- mắt rớm lệ, ông Thành đứng lên đi ra đầu bờ ao trước nhà. 5 phút sau ông quay lại. Dường như hơi nước ở mặt ao được làn gió đầu thu quyện lên khiến không khí trở nên mát dịu làm ông vơi đi nỗi buồn đau của quá khứ.
 
“Tết đến. Chưa bao giờ có một cái tết buồn đến thế. Tôi lại trăn trở: phải làm gì đây? Có người bạn cùng đơn vị bộ đội cũ khuyên tôi nên làm nấm. Làm nấm cần rất ít vốn, vòng thu hoạch lại nhanh. Thế là lại đi học làm nấm. Năm đầu làm đến đâu bán hết đến đấy. Thấy tôi làm bán được, người ta đua nhau làm. Thị trường nấm trở nên bão hòa. Mấy ông bạn ở Viện Di truyền nông nghiệp khuyên nên chuyển sang làm nấm khô. Tôi đầu tư làm nhà xưởng, xây lò sấy. Ai ngờ nửa đêm chập điện cháy sạch trụi cả nấm, cả nhà xưởng. Sáng ra nhìn đống tro tàn chỉ còn biết ngửa mặt lên trời: Sao cái số mình khổ thế này!”- “Vua lợn Organic” kể.
 
Trầm ngâm một lúc, ông bảo: “Lúc này tôi như đứng bên bờ vực thẳm. Tay trắng: Tiền mất, nhà cửa không còn. Tôi lang thang và cuối cùng lưu lạc vào Bình Dương đi làm thuê. Vừa làm thuê để mưu sinh, vừa đi học mót nghề chăn nuôi lợn siêu nạc. Tôi quay về quê thuyết phục cậu em trai thế chấp nhà của vợ chồng cậu ấy cho ngân hàng để vay vốn nuôi lợn siêu nạc”. “Làm sao mà em trai ông lại bị thuyết phục bởi một người đã năm lần bảy lượt thất bại?”- anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi. Ông tủm tỉm cười, bảo: “Sáng tới, trưa tới, tối lại tới nhà nói: “Em không giúp anh thì anh chỉ còn nước chết!”. Vợ chồng cậu em xiêu lòng”.
 

 
Giữa cơn bão giá lợn, đàn lợn organic nhà ông Thành vẫn sống khỏe. Ảnh: Trần Quang
 
Ước mơ và trăn trở
 
Có dịp tận mắt chứng kiến những trại lợn của HTX Trường Thành và nhất là qua những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của ông chủ Trường Thành, tôi mới càng thấu hiểu cái câu nói mà đầu buổi sáng khi tiếp chúng tôi của ông: “Tất cả vì lợn. Tất cả dành cho lợn!”. Dường như người đàn ông từng trải này không hề, hay nói đúng hơn là, không còn thời gian và tâm trí để lo cho cuộc sống cá nhân. Chiếc áo bảo hộ lao động cũ mèm, chiếc giường đêm đêm ngả lưng cùng người bạn đời của mình cũng “tạm bợ”, cái áo com lê cùng chiếc cà vạt đỏ (mà chắc là chỉ dùng mỗi khi đi dự hội nghị và lên bục nhận bằng khen) được treo lên chiếc dây thừng giăng ở góc phòng ngủ lẫn lộn giữa các bộ quần áo của cả gia đình. Tâm trí, sức lực, đam mê và cả tình yêu của ông đều dành hết cho đàn lợn của mình.
 
Mặt trời đã đứng bóng, câu chuyện thì vẫn cứ kéo dài. Chúng tôi đứng lên. Ông nhất định giữ lại bằng được để “mời các anh nhà báo thưởng thức các sản phẩm từ lợn của Trường Thành”. Bữa ăn trưa khá thịnh soạn. Thịt lợn chế biến đủ loại, giò, chả, nem… Thì ra cung cấp cho người tiêu dùng hiện nay, Trường Thành không chỉ có thịt lợn mà còn có các loại thành phẩm khác từ lợn như giò, chả, nem, thịt lợn xấy khô. “Thịt lợn khô ngon hơn thịt bò khô nhiều”- “Vua lợn Organic” nói.
 
“Cạch!”. Sau cái chạm ly ấy, ông Thành đưa chén lên môi, không uống ngay mà hít nhè nhẹ, dường như để thưởng thức cho hết cái mùi thơm của thứ “nước tinh khiết” được chiết ra từ loại nếp nương vàng vùng núi cao (mà theo ông chỉ có loại nếp nương này mới cho ra loại rượu tuyệt hảo như vậy). Uống xong, đặt chiếc ly xuống bàn, ông cầm chiếc điếu, châm lửa, rít một hơi dài...
 
Ông bảo, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi lợn - mặt hàng chính yếu, đang rất có uy tín với thị trường, Trường Thành đang chú trọng đầu tư để nuôi vịt cỏ, cá. “Tuy nhiên dự định của tôi là sẽ đầu tư mạnh cho các loại quả sạch. Hoa quả nước mình nhiều loại ngon lắm. Đã đến lúc người Việt Nam phải được ăn hoa quả Việt Nam mà không còn phải lo có chất độc hại”.
 
“Ông có nghĩ đến một ngày nào đó làm các mặt hàng xuất khẩu không?”- anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi. Nâng ly. Cạch! Nhấp một ngụm, đặt nhẹ cái ly xuống bàn, nét mặt ông trở nên nghiêm trang: “Ước muốn của tôi là người Việt Nam, mà nhất là trẻ em, phải được ăn thực phẩm sạch. Tôi muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ nòi giống của dân tộc. Đó cũng là thị trường của chúng tôi”- “Vua lợn Organic” nói.
 
“Vậy khó khăn nhất của ông hiện nay là gì?”- anh bạn đồng nghiệp cùng đi nâng ly cụng riêng với “Vua lợn Organic” và hỏi. Ông ngồi thừ ra, nét mặt trở nên đăm chiêu. Ông không nói gì. Lại cầm chiếc điếu lên, với cái lông gà ngoáy nỏ điếu cẩn thận. Cấu một vê thuốc lào to hơn những lần trước đó, rít một hơi dài, phả khói mù mịt xuống đất, chậm rãi nói như cho chính mình nghe: “Khó khăn nhất là vốn. Chính quyền địa phương cho mình thuê đất dài hạn, nhưng lại không cấp quyền sử dụng đất, nên không thể thế chấp ngân hàng để vay tiền được”. Lại thêm một hơi thuốc lào nữa. Thực tình tôi ái ngại cho ông vì ông rít thuốc lào liên tục. Ông bảo, đời ông có hai thứ mà nếu thiếu đi thì không chịu được. Đó là “không khổ là không chịu được và thuốc lào - không có cũng không chịu được”. Nói rồi ông nhìn chúng tôi dò hỏi: “Làm thế nào mà tháo gỡ được nút thắt này nhỉ?”.
 
Vâng, làm thế nào mà tháo gỡ được út thắt này để ông Thành có thể thế chấp vay vốn? Đây là câu hỏi mà chúng tôi - những “nhà báo chính thống” (ông Thành gọi chúng tôi như thế) muốn thay mặt “vua lợn, người đầu tiên của tỉnh Bắc Giang nuôi lợn Oganic chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền. /.
 
Lãi 3,5 tỷ đồng/năm nhờ lợn organic
 
Hoạt động của HTX Trường Thành do ông Tô Hiến Thành đứng đầu:
-Diện tích sản xuất: 5,6ha
- Sản lượng: khoảng 1.000 tấn/năm
- Thu nhập 10 – 12 tỷ/năm,
- Lợi nhuận 3 – 3,5 tỷ/năm
- Số lượng lao động: 54 lao động
- Hàng năm đóng góp cho thôn, xã kinh phí xây dựng nông thôn mới và quà tết cho người nghèo hàng trăm triệu đồng.
 
Danh hiệu, khen thưởng đã đạt được:
- Hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 2012-2016.
- Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà dột nát cho cựu chiến binh” 2015- 2016.
-Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Cựu chiến binh “Sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2010 – 2015.
- Bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam năm 2017.
Tin bài liên quan
Loading...