Trao ‘hiệp sĩ giao thông’ cho cụ bà 80 tuổi: Lợi bất cập hại!
Cách đây vài ngày tôi được xem một bản tin ngắn về một cụ bà vá xe kiếm sống được phong làm hiệp sĩ giao thông.
Clip ngắn ngủi ghi cảnh một cụ bà 80 ngồi dưới mái che của một tấm bạt, trong cơn mưa, tấm bạt căng ngay dưới mấy cái cột điện, ngay trên vỉa hè của một đường phố đông đúc người xe qua lại.
Nếu tôi là nhà đài, tôi sẽ không cho phát cái phóng sự "kỳ dị" ấy, bởi nhiều lẽ:
-Thứ nhất: bà chiếm dụng vỉa hè, vi phạm an toàn về điện , mưa gió, điện giật, sấm chớp, ai biết điều gì sẽ xảy ra?
-Thứ hai, tạo hình ảnh nhếch nhác đường phố, mất vẻ mỹ quan đô thị, khách du lịch sẽ nghĩ sao về một xã hội mà người già 80 vẫn còn ra đường kiếm sống, trại dưỡng lão đâu? Phúc lợi xã hội đâu? Con cái đâu?
-Thứ ba: danh hiệu "hiệp sĩ giao thông", xét cho cùng trao cho bà là phản tác dụng vì rằng một bà cụ 80 xông xuống đường chỉ dẫn cho người tham gia giao thông trong khi cụ không phải CSGT, không biết luật lệ, lại là người đã có tuổi (80 tuổi), lứa tuổi không còn nhanh nhẹn khi “xông pha” giữa đường phố đông đúc như thế.
Xã hội chúng ta đang cổ súy cho những việc sai lầm mà cứ tưởng rằng đúng.
Đó là "hiệp sĩ đường phố" bắt cướp tay không, không chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đưa cái “mạng” ra thế chỗ nếu chẳng may gặp thằng cướp hung tợn. Những hiệp sĩ nếu bắt cướp trên đường vắng thì không nói, nhưng trong khu dân cư thì lợi bất cập hại, nhỡ manh động đôi khi còn hại cả dân lành;
Nhặt kim tiêm không mang găng tay bảo hộ. Ảnh minh họa: TNO
Một đoàn SV tình nguyện dang tay giữa trời nắng thay… rào chắn giao thông, điều tiết giao thông thay cả chức năng của CSGT?;
Một đoàn sinh viên tình nguyện đi nhặt kim tiêm, nhặt rác bằng tay không trong khi không có bất cứ một phương tiện
bảo hộ lao động nào để tránh nhiễm bệnh, chúng ta làm thế cả phần việc của lao công đường phố?
Xã hội muôn màu muôn vẻ, mỗi người chỉ thích hợp làm và làm tốt một việc, nếu chúng ta cứ nhầm lẫn mãi, dẫm chân lên nhau mãi thì hệ quả tất yếu không thể phát triển tốt hơn được.
Chúng ta khuyến khích người làm việc thiện nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ.
Ví như sinh viên tình nguyện, các em có thể giúp đỡ thí sinh cơm giá rẻ, nước miễn phí, hướng dẫn trường thi, chỗ trọ, hay hữu ích hơn là hiến máu cứu người (vì máu các bạn rất sạch), tuyên truyền, ngăn chặn nạn xả rác… thì có lẽ sẽ thích hợp hơn.
SVTN có thể hiến máu cứu người vì máu các bạn rất sạch. Ảnh: minh họa
Chúng ta có thể vận dụng những kiến thức hiểu biết của mình để làm điều có ích nhưng không nên ảnh hưởng đến bản thân và nhất là đừng dẫm lên chân người khác.
Cuối cùng, liên hệ ngành y trong thực tế, trong y khoa thì ai làm chuyên khoa ấy, nếu dẫm chân nhau thì không chết cũng làm bị thương... bệnh nhân, chẳng hạn phẫu thuật viên không thể làm tốt gây mê hồi sức và ngược lại, nếu không thì người ta đã chẳng nhọc công phân làm nhiều chuyên khoa làm gì.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết