Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10562
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Trình độ, kiến thức pháp luật của cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế
Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước" và thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam, những năm gần đây, tổ chức công đoàn Thủ đô đã có nhiều chương trình hành động với những giải pháp mới trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, phát triển mạnh phong trào công nhân, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. 
 
Tuy nhiên, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Thủ đô hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là nội dung cuộc đối thoại giữa Báo Hànộimới và ông Lê Thanh Đà - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội.
 
Công đoàn cũng phải… “bó tay”
 
- Ông có thể cho biết những nét khái quát về kết quả đạt được của công đoàn Thủ đô sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ và hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam?
 
- Ngay sau Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ X và Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XIV, LĐLĐ TP Hà Nội đã xây dựng 5 chương trình công tác và chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức cho công nhân viên chức, người lao động (CNVC, NLĐ) góp ý vào các dự thảo, bộ luật sửa đổi, từ đó tổng hợp, báo cáo cơ quan chức năng để các bộ luật ban hành phù hợp với thực tế và nguyện vọng của CNVC, NLĐ. Các cấp công đoàn cũng tham gia với thành phố các cơ chế về xây dựng nhà cho CNVC, NLĐ có thu nhập thấp; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và liên ngành tổ chức nhiều đoàn kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với CNVC, NLĐ, xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội… Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, LĐLĐ TP đã cố gắng ở mức tối đa để quản lý, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho 1,5 triệu CNVC, NLĐ; chủ động tham gia sắp xếp chuyển đổi gần 200 DN nhà nước trở thành các loại hình kinh tế theo chủ trương của thành phố; chỉ đạo trên 62% DN nhà nước tổ chức Hội nghị NLĐ ký thỏa ước lao động tập thể; giải quyết hàng trăm vụ vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho trên 80 nghìn NLĐ; đào tạo nghề cho hơn 400 nghìn NLĐ và giới thiệu việc làm cho hơn 40 nghìn NLĐ; xây dựng gần 400 dự án, cho vay gần 32 tỷ đồng, giúp hơn 6.300 lao động nghèo có thêm việc làm, tăng thu nhập... 
 
 
Ông Lê Thanh Đà. Ảnh: Duy Quang
 
- Những con số đó khá ấn tượng. Tuy nhiên, hiện nay trong nhận thức của nhiều đơn vị, DN, và trong suy nghĩ của một bộ phận NLĐ thì công đoàn chỉ là lực lượng “ăn theo”. Do đó phần nào trọng lượng tiếng nói của tổ chức công đoàn các cấp còn hạn chế, việc tham gia hoạt động công đoàn của CNVC, NLĐ còn tùy hứng…
 
- Những vấn đề nêu trên là có thật. Chức năng, quyền hạn của tổ chức công đoàn được nêu trong Hiến pháp và được pháp luật quy định là rất lớn nhưng vai trò của các tổ chức công đoàn trong thực tế chưa xứng tầm với nhiệm vụ được giao, nếu không muốn nói là còn rất hạn chế. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan…
 
- Ông có thể cho ví dụ cụ thể?
 
- Rõ nét nhất là hành lang pháp lý cùng những thiết chế quy định cụ thể về hoạt động công đoàn hiện nay còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, công đoàn là tổ chức đại diện duy nhất bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhưng để bảo vệ được quyền lợi của NLĐ thì công đoàn cần phải có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn, nếu không công đoàn cũng không thể thực hiện được chức năng, quyền hạn của mình. Ví dụ, như việc thực hiện Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Bảo hộ lao động…, nếu công đoàn đơn phương tổ chức kiểm tra, chủ sử dụng lao động có thể ký vào biên bản nhưng sau đó không sửa chữa, khắc phục thì công đoàn cũng đành… “bó tay”. Bởi lẽ, vai trò công đoàn chỉ dừng lại ở phát hiện, lập biên bản vi phạm. Nếu như có sự quan tâm phối hợp của các cơ quan chuyên ngành, như Công an, LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội… thì mọi việc lại khác. 
 
Vai trò của các tổ chức công đoàn còn mờ nhạt
 
- Ông vừa cho rằng, luật của chúng ta hiện có nhiều hạn chế, bất cập, hành lang pháp lý thiếu. Thực tế có những vấn đề không hẳn là như vậy. Chẳng hạn như việc chủ sử dụng lao động muốn sa thải NLĐ, theo quy định phải thông qua tổ chức công đoàn, nhưng thực tế nhiều nơi không có chuyện này. Hay như việc khen thưởng, nâng lương, kỷ luật NLĐ… về nguyên tắc thì công đoàn nằm trong thành phần tham gia Hội đồng bình xét. Nhưng nhiều khi người ta làm tắt hoặc không muốn nghe ý kiến hay vì những lý do khác nên cũng “quên luôn” việc mời đại diện của công đoàn, nhưng đại diện công đoàn lại cũng không yêu cầu thực hiện quy định. Xảy ra những chuyện như vậy, nếu có bị chất vấn thì cùng lắm là “rút kinh nghiệm”, cũng chả ai làm sao, dù là sai quy định, không đúng nguyên tắc…
 
- Ở đây có mấy vấn đề. Tại cơ sở, tổ chức công đoàn muốn bảo vệ quyền lợi NLĐ thì phải hiểu luật, nắm được các quy định, nếu thấy sai thì cán bộ công đoàn phải có ý kiến, nếu chủ sử dụng lao động không tiếp thu thì có thể kiến nghị lên trên. Nhưng hiện nay cán bộ công đoàn, nhất là ở cơ sở, rất yếu về trình độ, kiến thức pháp luật lẫn nghiệp vụ công tác công đoàn... 
 
- Đó chính là hạn chế mà chúng tôi muốn đề cập. Tuy nhiên còn một vấn đề, nếu công đoàn cơ sở phát hiện sai phạm, kiến nghị chủ sử dụng lao động, song những kiến nghị đó không được giải quyết thì các cấp công đoàn có biện pháp gì để xử lý? Khi đó công đoàn cấp trên sẽ bảo vệ công đoàn cơ sở của mình ra sao?
 
- Khi chủ sử dụng lao động có những vi phạm, cùng với việc kiến nghị những người có trách nhiệm ở đơn vị, DN, công đoàn cơ sở phải báo cáo với cấp ủy cơ sở (nếu ở đó có tổ chức Đảng) để nhanh chóng có biện pháp giải quyết. Mặt khác phải báo cáo công đoàn cấp trên, khi đó cấp trên sẽ làm việc trực tiếp với lãnh đạo DN, nhưng tác động đến đâu còn tùy thuộc vào tình hình cụ thể.
 
- Phải có căn cứ pháp luật để xử lý những vi phạm, những việc làm sai nguyên tắc, sai quy định của chủ sử dụng lao động. Nếu không xử lý được hoặc không có quy chuẩn để xử lý (xử lý một cách tùy tiện) thì chúng ta có thể mất cán bộ công đoàn cấp dưới và quan trọng hơn là mất niềm tin của NLĐ vào vai trò của tổ chức công đoàn.
 
- Vấn đề này tôi đã đề cập, đó chính là do thiếu hành lang pháp lý và thiếu những thiết chế quy định cụ thể. Tôi lấy ví dụ như việc thu phí công đoàn 2% hiện nay Thông tư Liên bộ đã cho phép, nhưng chưa có chế tài cụ thể nên quy định dễ bị vô hiệu hóa. Ngay như việc thu bảo hiểm xã hội, có chế tài đấy, nhưng mức phạt quá thấp, từ 20 đến 30 triệu đồng đối với đơn vị, DN vi phạm. Vậy nên người ta chấp nhận nộp phạt chứ không chịu đóng bảo hiểm cho NLĐ. Và kết quả là vi phạm vẫn rất phổ biến…
 
- Trước đây khi công trình tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower đang triển khai xây dựng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Vậy vai trò của công đoàn cơ sở ở đây ra sao? Công đoàn cấp trên có thực hiện việc kiểm tra, giám sát không mà liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động?
 
- Theo tôi, an toàn lao động là trách nhiệm của ba bên: chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và cá nhân NLĐ. Trong thực tế đã có nhiều vụ tai nạn lao động, sau khi điều tra, phần là do chủ sử dụng lao động không thực hiện yêu cầu về bảo đảm an toàn cho NLĐ, phần là do NLĐ thiếu kiến thức hoặc chủ quan, không thực hiện các yêu cầu về bảo hộ lao động.
 
“Trên đe, dưới búa”, ở giữa là cán bộ công đoàn
 
- Thưa ông, thực tế cho thấy “cán bộ nào, phong trào nấy”. Phải chăng vai trò của tổ chức công đoàn, đặc biệt là ở cơ sở còn nhiều hạn chế do chất lượng cán bộ?
 
- Tôi nghĩ, nếu coi công đoàn là một nghề thì cán bộ làm nghề này phải được đào tạo bồi dưỡng bài bản. Đào tạo bồi dưỡng phải trong quy hoạch và làm quy hoạch phải có phát hiện bồi dưỡng đào tạo, đưa vào sử dụng và thực hiện chế độ chính sách, nhưng chúng ta gần như chưa làm được việc đó, nhất là đối với cấp công đoàn cơ sở.
 
- Chúng tôi cho rằng công đoàn cơ sở có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây chính là cấp công đoàn sâu sát nhất với NLĐ, trực tiếp tham gia đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Mặt khác, công tác phát triển đoàn viên công đoàn cũng phải xuất phát từ công đoàn cơ sở; việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ hay không cũng chính là do công đoàn cơ sở trực tiếp thực hiện. 
 
- Hiện nay công đoàn Thủ đô quản lý 6.160 công đoàn cơ sở trong khi chỉ có vỏn vẹn 14 cán bộ công đoàn chuyên trách. Toàn thành phố hiện có khoảng 22 nghìn cán bộ công đoàn không chuyên trách, không được đào tạo bài bản, nhất là ở khu vực DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nguyên nhân khiến công đoàn cơ sở chưa làm tròn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi NLĐ khi năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật của đội ngũ cán bộ còn quá nhiều hạn chế.
 
- Nếu công tác công đoàn chỉ là phần việc kiêm nhiệm thì cũng khó đòi hỏi người cán bộ tâm huyết với công việc này?
 
- Điều đó chỉ là một phần, mấu chốt vấn đề là thế này: Đối với đoàn viên, công đoàn cơ sở là những người đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, không làm được điều đó thì đương nhiên chưa hoàn thành nhiệm vụ, mất tín nhiệm của đoàn viên. Nhưng cán bộ công đoàn cơ sở hiện đang được các đơn vị, DN trả lương (kiêm nhiệm công tác công đoàn). Trong các vấn đề liên quan tới NLĐ, nếu họ không đồng quan điểm với chủ sử dụng lao động thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong triển khai các công tác công đoàn, thậm chí dần dần sẽ bị vô hiệu hóa. Có nhiều việc trên thực tế dù cán bộ công đoàn cơ sở rất muốn đấu tranh với chủ sử dụng lao động vi phạm nhưng phía sau họ là việc làm, là tiền lương, tiền thưởng, sự cất nhắc vào các vị trí công tác… Đây chính là những yếu tố hạn chế hiệu quả hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở.
 
- Vậy là “trên đe, dưới búa”, ở giữa là… cán bộ công đoàn cơ sở!
 
- Có những đơn vị, DN phải làm công tác vận động để ông A, bà B tham gia công tác công đoàn mà còn bị người ta từ chối.
 
- Tại sao chúng ta không mở rộng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách?
 
- Đó là chuyện không đơn giản. Trước hết là vấn đề nguồn kinh phí từ ngân sách cho quỹ lương, vì nó quyết định cơ chế, chỉ tiêu biên chế. Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn là do đoàn viên bầu, nếu hết nhiệm kỳ không được tín nhiệm bầu lại thì công việc của người đó sẽ như thế nào, ai lo, ai tạo điều kiện? Hiện nay, theo quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch và Phó chủ tịch công đoàn cơ sở sẽ được hưởng chế độ phụ cấp, nhưng ở nhiều đơn vị đang khó khăn như hiện nay việc này cũng không thực hiện được.
 
- Được biết LĐLĐ thành phố đang có những giải pháp để khắc phục tình trạng trên, trong đó có những mục tiêu được đưa vào Dự thảo báo cáo Đại hội Công đoàn thành phố nhiệm kỳ tới. Ông có thể cho biết cụ thể những giải pháp này?
 
- Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện song song hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn và xây dựng đội ngũ công nhân lao động có tri thức, trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô và đất nước. Tháng 3-2012, LĐLĐ TP đã có đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở tại các đơn vị, DN ngoài nhà nước; bảo đảm số lượng và chất lượng trước mắt cũng như lâu dài ở mỗi cấp công đoàn. Cùng với đó là việc quy hoạch, bồi dưỡng 330 cán bộ công đoàn chuyên trách cấp thành phố; phấn đấu 90% cán bộ công đoàn cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng và kiến thức pháp luật về lao động, hoạt động công đoàn… LĐLĐ TP cũng sẽ liên kết với các đơn vị, DN mở các trường dạy nghề nhằm tạo thêm việc làm cho NLĐ và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động. Một vấn đề quan trọng nữa là ở những đơn vị chưa có công đoàn thì công đoàn cấp trên cơ sở nơi đó sẽ có trách nhiệm đại diện để bảo vệ quyền lợi NLĐ… Đặc biệt, như đã nêu, chúng tôi cũng kiến nghị thành phố và các cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chế tài cần ban hành để thúc đẩy chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp công đoàn.
 
- Cảm ơn ông về cuộc đối thoại. Hy vọng trong thời gian tới hoạt động các cấp công đoàn ở Thủ đô sẽ đi vào chiều sâu, có bước phát triển mới và thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ.
Tin bài liên quan
Loading...