Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10307
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Vai trò “cầu nối” doanh nghiệp và người lao động
Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia quản lý của tổ chức công đoàn (khu vực phía Bắc), do Tổng cục Chính trị tổ chức, đại diện tổ chức công đoàn các cấp trong quân đội đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong tham gia quản lý cùng doanh nghiệp; qua đó phát huy vai trò “cầu nối” của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng mối quan hệ công tác, quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận

Hiện nay, toàn quân có hơn 900 công đoàn cơ sở thuộc 55 đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đánh giá của Ban Công đoàn Quốc phòng, 5 năm qua, hoạt động của công đoàn cơ sở luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nhất là việc thực hiện chức năng tham gia quản lý ngày càng có chuyển biến tiến bộ, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên công đoàn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức Đảng TSVM, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp VMTD.

Có được những thành công trên, theo Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng, trước hết đối với khối doanh nghiệp, công đoàn cơ sở đã thường xuyên sâu sát, hướng dẫn, tư vấn cho người lao động ký giao kết hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; hằng năm, cùng với người sử dụng lao động có biện pháp tích cực trong tìm, tạo việc làm, bảo đảm việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp trong toàn quân cơ bản bảo đảm đủ việc làm cho người lao động, số lao động thiếu việc làm không thường xuyên chỉ ở mức dưới 2%. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công đoàn cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn tham gia xây dựng và bàn biện pháp thực hiện chương trình công tác chuyên môn, bảo đảm dân chủ thiết thực; tham gia cải tiến lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật ở đơn vị...

Nhà máy Z111 (Tổng cục CNQP) phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tiếp nhận, vận hành hiệu quả dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: Công Tuyên.

Về kinh nghiệm của tổ chức công đoàn tham gia quản lý ở đơn vị, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) chia sẻ: “Điều quan trọng nhất tạo sự hài hòa, ổn định trong các đơn vị, doanh nghiệp của tổng cục là người lãnh đạo doanh nghiệp luôn lắng nghe ý kiến của người lao động thông qua hội nghị người lao động và qua “cầu nối” công đoàn cơ sở”.

Được biết, Tổng cục CNQP hiện có 48 công đoàn cơ sở, với hơn 2,6 vạn cán bộ, đoàn viên công đoàn. Hằng năm, tổ chức công đoàn đã phối hợp với ban giám đốc, cơ quan chuyên môn tổ chức tốt hội nghị người lao động. Thông qua hội nghị đã phát huy được tính dân chủ; có nhiều ý kiến của người lao động đề xuất các giải pháp hữu hiệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm; thu nhập và đời sống của người lao động từng bước được nâng lên (6 tháng đầu năm 2015 là 8,2 triệu đồng/người/tháng, tăng nhiều so với năm 2014).

Bên cạnh đó, đại diện của tổ chức công đoàn các cấp trong Tổng cục CNQP đều tham gia hội đồng quản lý của doanh nghiệp, đơn vị, như: Hội đồng tuyển dụng, hội đồng kỷ luật, hội đồng khoa học kỹ thuật, hội đồng thi đua-khen thưởng, hội đồng tiền lương, tiền thưởng, nâng lương, nâng bậc, đào tạo... và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động. Trong 5 năm qua, đã có hơn 5.000 lao động thuộc tổng cục được đào tạo và đào tạo lại, hơn 3.000 lao động được chuyển công nhân viên chức quốc phòng và hơn 6.000 công nhân viên chức quốc phòng được chuyển diện quân nhân; 100% tổ chức công đoàn xây dựng được quy chế phối hợp giữa Ban chấp hành công đoàn với giám đốc, quy định rõ quyền, trách nhiệm giữa tổ chức công đoàn và giám đốc trong thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị.

Trên cương vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần 22 (Tổng cục Hậu cần), Đại tá Nguyễn Trọng Thiện khẳng định: “Tổ chức công đoàn trong công ty đã phát huy tốt vai trò trong việc nắm bắt tình hình, đề xuất xây dựng nhà xưởng, nhà kho, nhà ăn khang trang, sạch sẽ; bảo đảm đầy đủ chế độ bồi dưỡng cho người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, đóng bảo hiểm đầy đủ, đúng quy định cho người lao động. Hằng năm, Ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với Tổng giám đốc tổ chức tốt hội nghị người lao động theo đúng quy định. Qua hội nghị đã tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động được biết, được bàn, được trực tiếp tham gia với Tổng giám đốc và các cơ quan chức năng về phương án sản xuất-kinh doanh, chế độ tiền lương, phúc lợi của công ty. Đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong các hội đồng của công ty, để vừa thực hiện chức năng tham gia ý kiến trong việc tổ chức, lao động, tiền lương, kế hoạch, kỹ thuật, vật tư, máy móc thiết bị, kế hoạch bảo hộ lao động, vừa nắm bắt tình hình nhiệm vụ để xây dựng chương trình hoạt động của tổ chức công đoàn sát với nhiệm vụ chính trị của đơn vị”.

Quan tâm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng

Cùng với những mặt tích cực, tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác tham gia quản lý của tổ chức công đoàn (khu vực phía Bắc), đại diện lãnh đạo, chủ tịch công đoàn cơ sở các đơn vị, doanh nghiệp… cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác tham gia quản lý của tổ chức công đoàn thời gian qua. Đó là: Nhận thức về công tác tham gia quản lý của một số cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động hợp đồng chưa sâu sắc, toàn diện; vai trò đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở một số nơi còn mờ nhạt, chưa phát huy hết tiềm năng, trí tuệ của đoàn viên công đoàn trong tham gia quản lý. Hình thức sinh hoạt đối thoại dân chủ của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện thường xuyên. Một bộ phận đoàn viên công đoàn chưa mạnh dạn, thẳng thắn khi đối thoại; chất lượng hoạt động của tổ đối thoại tại nơi làm việc và tác dụng của hòm thư góp ý chưa cao; chất lượng thỏa ước lao động tập thể một số đơn vị còn thấp, chủ yếu nội dung sao chép từ các quy định của pháp luật, chưa có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động.

Một giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Công nghệ kỹ thuật ô tô (Tổng cục Kỹ thuật). Ảnh: Thành Duy.

Để phát huy tốt hơn vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia quản lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên công đoàn, theo Đại tá Nguyễn Xuân Hải, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp về xây dựng đội ngũ đoàn viên công đoàn; xây dựng mối quan hệ công tác, quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; phát huy quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát của đoàn viên công đoàn; khắc phục các biểu hiện vi phạm dân chủ, hoặc dân chủ hình thức.

Kinh nghiệm phát huy hiệu quả của tổ chức công đoàn cơ sở ở Công ty Cổ phần 22 (Tổng cục Hậu cần) là cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn, từ tổ trưởng công đoàn đến ban chấp hành công đoàn cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong cán bộ, nhân viên, người lao động, quan tâm chăm lo việc làm và thu nhập của người lao động.

Thực hiện tốt những vấn đề trên là cơ sở để giữ vững sự ổn định, phát triển, để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với đơn vị, doanh nghiệp, giảm thấp nhất những bất đồng nảy sinh, làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công việc sản xuất, kinh doanh ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội.
Tin bài liên quan
Loading...