Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ.
Trên các công trình xây dựng, cảnh tượng một người thợ xây “đánh đu” với sợi dây thừng trên rìa tòa nhà cao hàng chục tầng mà không có phương tiện
bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn vẫn thường hay xảy ra. Hay nếu gõ vào ô tìm kiếm Google cụm từ “công nhân ngộ độc” sẽ hiển thị 792,000 kết quả với những thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm, không khí, nước uống… của công nhân tại các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp trên cả nước. Một thực trạng rõ ràng đó là ngày ngày, những người lao động vẫn phải đối mặt với nhiều mối nguy cơ tiềm ẩn đến sức khỏe và tính mạng.
Người dân những thành phố lớn không còn xa lạ với hình ảnh này (Ảnh: Zing)
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, 06 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ. Những con số này đã và đang đưa ra bài toán nhức nhối vẫn chưa có lời giải.
Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2014 phải kể đến như: Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào đầu năm 2014 làm 06 người chết và 01 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông , thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Vụ ngộ độc do dung môi hữu cơ cao xảy ra vào giữa tháng 5/2014 khiến hơn 2000 công nhân Tập đoàn Hongfu Việt Nam (KCN Hoàng Long, TP Thanh Hóa) bị hội chứng nhiễm độc thần kinh; hay gần đây nhất, ngày 16/12 tại Lâm Đồng đã xảy ra sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 người bị mắc kẹt trong lớp đất đá trong suốt 4 ngày... Qua đây có thể thấy rằng TNLĐ nghiêm trọng chủ yếu tập trung nhiều trong lĩnh vực xây dựng và khai khoáng, đặc biệt tại các doanh nghiệp không chú ý đến việc tuân thủ trách nhiệm xã hội.
Hàng trăm công nhân tập đoàn Hongfu nhập viện do hội chứng nhiễm độc thần kinh
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ do chỉ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận mà xao nhãng việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, từ đó dẫn đến ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người lao động, thậm chí gây ra những vụ TNLĐ thương tâm.
Thực tế cho thấy, ngành xây dựng vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho người lao động nhưng có hơn 80% lao động là nông dân đi làm thời vụ khi nông nhàn. Các chủ thầu xây dựng thường hay sử dụng lực lượng lao động này là do giá thuê nhân công rẻ mạt và trốn tránh đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động. Không qua đào tạo, phần lớn người lao động trong lĩnh vực này vừa học kiểu truyền miệng, vừa thực hành, thế nên kiến thức về an toàn lao động của họ cũng rất thấp. Và trên thực tế, cai thầu là những người trực tiếp nhận người, nhận việc thì phần lớn lại thiếu trình độ quản lý và chỉ thực hiện những công tác tuyển dụng đơn giản.
Qua đây có thể thấy rằng, để hạn chế TNLĐ các cơ quan chức năng cần xây dựng những chế tài nghiêm khắc để răn đe các hành vi vi phạm quy định an toàn lao động, tăng cường tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến từ ý thức tới hành động của cả người sử dụng lao động và người lao động. Bên cạnh đó các Công ty, doanh nghiệp cũng nên chú trọng tổ chức tập huấn sơ tán khẩn cấp để người lao động biết cách đối phó khi sự cố xảy ra. Hãy nghĩ tới an toàn lao động như một vấn đề thường trực trong xã hội, chứ không phải chỉ là câu khẩu hiệu để chúng ta “nhiệt liệt hưởng ứng”.
Đoàn Lê