Có thể nói, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) đang có xu hướng gia tăng, trong đó TNLĐ nghiêm trọng dẫn đến chết người tăng hằng năm.
Nguyên nhân xảy ra TNLĐ chủ yếu do vi phạm quy trình, vi phạm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Điều đáng nói là, nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra nhưng cơ quan công an không xử lý được do thiếu chứng cứ, nhất là những vụ TNLĐ trong xây dựng nhà dân (mà đôi khi người đi đường cũng bị vạ lây). Đối với những vụ này, cơ quan công an thường chỉ xử lý được chủ sử dụng lao động (chủ thầu xây dựng), không xử lý được chủ nhà (ở đây cũng cần lưu ý thêm, không phải vụ TNLĐ nào xảy ra cũng xử lý được chủ sử dụng lao động).
Để có thể giảm thiểu các vụ tai nạn cũng như để các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt ATVSLĐ, cần thiết thanh tra lao động phải tăng cường thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ của các DN. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt đối với những hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê báo cáo TNLĐ, theo quy định tại Nghị định số 113/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời cũng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSLĐ nhằm nâng cao trách nhiệm đối với người sử dụng lao động và người lao động. Ví dụ, nếu thanh tra xây dựng tăng cường trách nhiệm kiểm tra về ATVSLĐ tại cơ sở, sẽ kịp thời phát hiện vi phạm quy định về
Bảo hộ Lao động như không trang bị phương tiện, thiết bị bảo hộ an toàn lao động, biện pháp bảo đảm an toàn nơi làm việc cho người lao động..., thì sẽ hạn chế được số vụ TNLĐ (thực tế, thanh tra xây dựng chỉ quan tâm phát hiện nhà xây dựng không phép để xử phạt mà không chú trọng khâu kiểm tra, phát hiện vi phạm quy định về bảo hộ lao động).
Điều 227 (tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người) BLHS năm 1999 quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị hạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát hiện và xử phạt các vụ vi phạm an toàn lao động cũng chưa đủ sức thuyết phục. Công tác thanh tra về lao động chưa thường xuyên, thiếu nhạy bén, dẫn đến việc thực hiện công tác
bảo hộ lao động ở DN chưa tốt. Ngoài ra, số lượng vụ việc DN bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những vụ tai nạn do không tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động hiện nay quá ít, chưa đủ mức độ răn đe.
LS Lê Nguyễn Quỳnh Thi