Vị tướng cầm dao xây, lính bớt nghèo, đơn vị sẽ mạnh
Đã mang hàm thiếu tướng, ở tuổi sáu mươi mà ông vẫn cầm dao xây dạy bộ đội làm đường. Có lần, khi tôi cầm bút định viết về ông thì có một nhà báo đàn anh “can”: Lãnh đạo hàm cấp tướng rồi còn “bình dị” gì nữa. Nhưng rồi bẵng đi ít lâu, chính anh lại nói với tôi: “Mình vừa có chuyến lên biên giới cùng Thiếu tướng Hoàng Kiền. Tướng gì mà gầy gò, người đen sắt như nông dân, không uống rượu, không hút thuốc, không còn thời gian chơi thể thao, thậm chí nhịn đói, ăn mì tôm vì công việc. Bình dị quá!”.
Lính bớt nghèo, đơn vị sẽ mạnh
Năm 1989, Thiếu tá Hoàng Kiền được điều động về làm Tham mưu phó rồi dần lên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Trung đoàn ngày ấy khó khăn đủ bề. Cơ sở vật chất xuống cấp, chưa có khu gia binh, hầu hết anh em phải đi thuê nhà, nhiều người vợ chưa tìm được việc làm. Đã thế, “nhàn cư vi bất thiện”, mất trộm vật tư rất nhiều. Sau mùa thi công, nhàn rỗi, tệ bài bạc, rượu chè bắt đầu “lây lan”. Đau đầu nhất là tệ cắm ký hàng quán. ấy vậy mà khi trung đoàn làm việc với các chủ quán thì họ lại giấu tịt không chịu cung cấp danh sách những “con nợ”. Cấp ủy, chỉ huy đã nhiều lần bàn bạc, tìm biện pháp nhưng tình hình chưa mấy chuyển biến.
Thiếu tướng Hoàng Kiền trong một lần kiểm tra đường tuần tra biên giới tại Kon Tum. ảnh: Nguyên Minh
Một đêm cuối năm trời gần về sáng, những hồi kẻng dồn dập bỗng vang lên. Thiếu tá Hoàng Kiền oang oang truyền lệnh qua điện thoại:
- Trung đoàn nhận lệnh báo động di chuyển khẩn cấp vào Cam Ranh. Các bộ phận có hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị.
Hai giờ sau, sân vận động trung đoàn đã tề tựu đông đủ thì cũng là lúc một cảnh tượng... nháo nhác xảy ra. Hàng chục chủ quán từ đâu xuất hiện khẩn thiết xin gặp chỉ huy trung đoàn, cung cấp danh sách những người nợ nần. Nghe tin trung đoàn di chuyển gấp, họ cuống cuồng vào đòi nợ.
Cấp trên lại lệnh: Hoãn không di chuyển nữa. Không ai biết, đó chỉ là một cuộc báo động “thật mà giả” mà ông Kiền đã bí mật báo cáo, được trên đồng ý để chấn chỉnh tình hình đơn vị. Có cuốn sổ “Nam Tào” không chỉ nắm chính xác con số nợ nần mà còn phát hiện nhiều vấn đề khác, ông Kiền đã có biện pháp giáo dục, quản lý chặt chẽ, sâu sát hơn với bộ đội.
Chống phải đi liền với xây. ông tìm cách quan hệ với địa phương và cơ quan cấp trên, quy hoạch, xin đất, xây dựng khu gia binh cho anh em dù cơ chế, cách làm không dễ. Hàng trăm gia đình quân nhân nghèo nay bỗng dưng có đất, có nhà giữa thành phố Đà Nẵng, chuyện cứ như mơ.
Làm gì để bớt... nghèo? ông tìm cách quan hệ, xin tham gia làm các công trình kinh tế đem lại hiệu quả rất lớn. Hằng năm, đơn vị thi công rất nhiều công trình biển, đảo. Đá, cát đều phải đóng bao dứa, xi măng đóng bao chở ra đảo, vỏ bao cỡ 2000 đồng /chiếc. Ra đảo, ông Kiền quan sát và phát hiện ra một điều thật “xót ruột”: Vác bao vật liệu lên đảo rồi, lính ta thường dùng xẻng đâm thủng lấy đá, cát nên mỗi bao chỉ dùng được một lần và phải mua bao mới. ông Kiền nhẩm tính: 10 bao có hai chục ngàn, trăm bao có hai trăm, nghìn bao có hai triệu, như vậy tiền bao nhiều hơn tiền đá cát, nếu quay vòng được. ông lập tức lệnh: Bao mang lên đảo không được chọc thủng mà phải tháo dây, xếp lại gọn gàng để tái sử dụng. Số anh em nào sức yếu, ông giao nhiệm vụ thu gom, khâu vá lại những bao rách. Cứ thế, các bao dứa có thể quay vòng sử dụng 2-3 lần, phần tiền tiết kiệm thu về, ông cho thu 30% nộp vào quỹ trung đoàn, 70% cho anh em cải thiện đời sống. Tính ra mỗi năm, số tiền thu về từ vỏ bao không hề nhỏ: Hàng tỷ đồng!
Là người đứng mũi chịu sào, ông Kiền sớm nhận ra do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, các đơn vị công binh khi làm nhà thầu chưa có pháp nhân, thường phải làm “bê phẩy” cho các doanh nghiệp khác và phải mất “phần trăm”. Nghĩ mà tiếc công sức bộ đội, trong ông lóe lên suy nghĩ: Trung đoàn có thể mở doanh nghiệp được không? Hỏi ý kiến các cán bộ ở Quân chủng Hải quân, ai cũng lắc đầu bảo: “Chưa có tiền lệ, không rõ ”. Không nản, ông ra tận Hà Nội, tìm đến các cơ quan của Bộ Quốc phòng, rồi lên cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước hỏi thủ tục, nhờ giúp đỡ. Cuối cùng, Công ty Xây lắp Hải Công ra đời đã giúp giải quyết tốt bài toán hiệu quả xây dựng. Mô hình này sau được cho phép áp dụng ở các đơn vị khác.
Có việc làm, có thu nhập, bộ mặt trung đoàn dần thay đổi. Nhà cửa được đầu tư khang trang, toàn bộ xe máy cũ được sửa chữa phục hồi lại. Máy móc, thiết bị được đầu tư mua sắm mới rất nhiều. Không khí lao động hăng say, phấn khởi. Trung đoàn không còn rệu rã như hôm nào mà vững mạnh nhiều mặt, được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai.
Trung tá Đinh Văn Thể là lái xe của trung đoàn nhớ lại: “Bác Kiền còn lo cho cả vợ con chúng tôi! Bác tìm hiểu số chị em là vợ bộ đội chưa có việc làm rồi lập tổ may quần áo
bảo hộ lao động, may vá vỏ bao dứa phục vụ trung đoàn, mở ra cơ sở xay xát gạo, tạo công ăn việc làm cho chị em…”.
Người mang... phân trâu ra Trường Sa
Lần đi công tác ở Quảng Nam, ông Kiền phát hiện thấy một cây cầu do quân đội Sài Gòn cũ bắc đã gãy, sập từ lâu, nằm cạnh một cây cầu mới, còn rất nhiều thép tốt. ông tìm hiểu một số cán bộ địa phương thì được biết cầu không còn giá trị sử dụng nên xin tháo dỡ để đơn vị tận dụng thép, tu sửa nhà xe của trung đoàn đang xuống cấp, nếu đợi trên cấp kinh phí thì rất lâu. Thế nhưng dỡ cầu về rồi thì một đồng chí lãnh đạo địa phương lại có ý kiến không đồng ý, thậm chí cơ quan pháp luật vào làm việc, khiến ông Kiền suýt vào vòng lao lý, dù sau có kết luận ông không sai phạm nhưng phải đổi cho địa phương một ít sắt thép để lấy thép cầu cũ về làm nhà xe.
ông Kiền còn có nhiều việc “thổi tù và” khác. Trước mùa xây đảo, ông lệnh cho bộ đội hành quân ra các vùng ngoại ô Đà Nẵng, chọn nơi đất tốt, đất màu xúc mang về doanh trại. Số lượng lên tới hàng chục tấn đất mỗi năm. Một bộ phận khác thì nhận lệnh phải lặn lội đi xin phân trâu, bò ở ngoại thành. “Nhanh như điện, diện như hải quân”, áo trắng đội mũ đeo sao mà phải đi xin phân trâu thì quả là… Nhiều anh ấm ức lắm nhưng "quân lệnh như sơn", vẫn phải làm. Chưa hết, phân trâu chở về, họ còn phải mang nhào với đất, rồi rải ra phơi khắp sân trung đoàn, như một bãi chiến trường bốc mùi khó chịu.
Đất trộn phân trâu ấy, mỗi năm, mùa xuân dịp ra quân xây đảo, các chuyến xe ô tô của trung đoàn thường chạy không tải nên ông cho chở vào Cam Ranh, rồi chuyển xuống tàu, chở ra tặng các đảo. Mỗi đảo được một xe đất phân trâu. Nhờ thế, công binh 83 chính là những người đầu tiên mang đất ra Trường Sa. Tính từ năm 1990 đến 1997, họ đã mang hàng trăm tấn đất màu ra đảo, góp phần để có được những vườn rau Trường Sa như hôm nay. Còn với các đảo chìm, ông cho tận dụng gỗ xấu đóng các hộc kèm theo đưa đất ra cho anh em trồng rau. ông Kiền tự nghĩ, tự mua cái việc đầy vất vả ấy cũng vì tấm lòng với đồng đội…
Đại tá Nghiêm Hồng Giang, nguyên là cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 83 kể: Năm ấy, khi các công trình được giao đồng loạt xong, anh bất ngờ được ông Kiền gọi lên, lệnh:
- Chú nghiên cứu thiết kế mẫu và làm ngay bia chủ quyền cho các đảo!
- Nhưng… nhưng… cái này không nằm trong dự toán anh ạ - anh Giang nói.
- Việc gì có lợi thì ta cứ làm! - ông Kiền dứt khoát.
Mẫu bia chủ quyền với hình biểu tượng một con tàu, nay thường thấy ở các đảo Trường Sa ra đời. ông Kiền đến gặp chỉ huy từng đảo, bàn bạc chọn nơi đặt bia chủ quyền, rồi cho xây tặng mỗi đảo một bia kèm theo hai bảng tin hai bên, đổ bê tông sân chào cờ trước bia chủ quyền. Không một đồng kinh phí ngân sách, không một mệnh lệnh trên giao, không báo cáo thành tích… “Dự toán vật liệu cho Trường Sa thường tính đến yếu tố thiên tai, khấu trừ 1-3% hao hụt. Nhưng anh Kiền ráo riết việc tiết kiệm, nên hầu như không có hao hụt, thừa sức cho chúng tôi xây bia chủ quyền” và các công trình khác cho đảo như bến cập xuồng, đường nội bộ… anh Giang lý giải.
“Ông tiết kiệm” ngày ấy - bây giờ
Vị trung đoàn trưởng ngày ấy giờ đã mang hàm thiếu tướng, giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án 47 (Bộ Tổng tham mưu). Trong số những bức ảnh tư liệu mà Ban Quản lý dự án 47 lưu giữ được, có bức ảnh ông và cố Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đi kiểm tra công trường, chân đi ủng, tay... bốc vữa bê tông để kiểm tra. Hiện làm đường bê tông xi măng ở nước ta vẫn chưa có quy trình chuẩn. ông mày mò, đi khắp các công trường tìm hiểu, tham khảo các tài liệu, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học rồi tự tay soạn tập tài liệu tập huấn (dày gần 100 trang) để “dạy” các nhà thầu cách làm đường bê tông xi măng. Có tài liệu rồi, ông tổ chức tập huấn, trực tiếp… đứng lớp. ông còn lên biên giới trực tiếp giới thiệu thi công mặt đường bê tông xi măng, quay thành phim phát cho các nhà thầu để huấn luyện cho bộ đội, công nhân. Hình ảnh vị tướng già cầm dao xây, cầm xẻng trực tiếp trộn bê tông làm mẫu đã gây xúc động mạnh với mọi người. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau này biết chuyện đã biểu dương và chỉ đạo “phát triển” tài liệu tập huấn của ông thành một đề tài khoa học cấp bộ.
Hóa ra, chuyện ông hiểu sâu “nghề bê tông” có gắn với thời bao cấp, ông luôn ấp ủ ước mơ xây một cái nhà cho vợ con ở vùng quê ven biển Nam Định. Với đồng lương ít ỏi, ông tự tay vẽ thiết kế “ngôi nhà mơ ước” của mình, còn gạch, đá, cát, mỗi năm ông tích cóp một ít tiền, gửi về cho vợ mua “tập kết” sẵn. Riêng sắt, thép ông mua sắt phôi tiện ở chợ Sắt Hải Phòng, hàng tuần đạp xe đạp hơn 100km mang về quê. Thiếu tiền nên ông không dám thuê thợ mà chồng xây, vợ đánh vữa, con kéo vữa mỗi năm một ít theo “chiến thuật”… kiến tha lâu cũng đầy tổ. Ngót 10 năm trời, “ngôi nhà mơ ước” mới hoàn thành. Có lần, đang nghỉ phép đạp xe chở ít vật liệu về đến giữa đường thì trời đổ mưa. ông ghé vào quán nhỏ, nhờ địa điểm rồi đổ luôn một số tấm kê, một số tấm bê tông, hôm sau đạp xe lên xin về.
Nhiều lần được đi công tác cùng ông, tôi thấy đoàn làm việc bao giờ cũng vừa đủ một chiếc xe 5 chỗ. ông không bao giờ đi xe riêng mà ngồi chung xe với anh em để dọc đường đi vừa hội ý, vừa thấy chỗ nào “có vấn đề” thì chỉ đạo giải quyết ngay. Có lần, ở Sơn La, trời đã về chiều, đường gặp mưa nhão nhoẹt, ô tô không thể bò vào được. Anh em đề nghị ngày mai mưa tạnh, đường khô sẽ vào kiểm tra. Nhưng Thiếu tướng Hoàng Kiền dứt khoát: “ô tô không vào được thì đi… xe ôm! Nếu mai mưa không tạnh thì vừa mất thời gian, vừa không kiểm tra được. ông cho thuê 5 chiếc xe ôm, nhờ những thanh niên người dân tộc thông thạo địa hình chở. ông dẫn đầu, xe máy gài số 1, ga hết cỡ, ống bô và má phanh bốc mùi khét lẹt, xe nhảy chồm chồm vượt dốc. Bà con dân tộc đi nương về ai cũng ngạc nhiên chỉ trỏ khi thấy một vị tướng ngồi xe ôm đi công tác. Có hôm kiểm tra ở Tây Nguyên, ông và đồng đội bị vắt cắn, máu chảy đỏ ống chân mà ông vẫn tươi cười: “Chưa nhằm nhò gì so với vắt thời tớ ở Trường Sơn”.
ông chỉ đạo các đơn vị phải tiết kiệm tối đa nguyên vật liệu xây dựng, tận dụng đá cát khai thác tại chỗ. Theo ông, tiết kiệm không đơn giản là cắt bỏ, lược bỏ cái A, cái B, cái C… mà phải từ khâu khảo sát, thiết kế. Nếu chọn tuyến không tốt, thiết kế sai làm đường, cầu sạt lở, có thể tốn kém hàng trăm tỷ đồng; có nhiều dự án khi đi kiểm tra phát hiện không hợp lý, ông trực tiếp vẽ lại vào bản vẽ ngay tại chỗ, tiết kiệm kinh phí rất lớn. Hiện với hơn 1.500km đường tuần tra đang hoàn thành, theo đơn giá năm 2009, đơn giá bình quân chỉ hết 7 tỷ đồng /km, thấp hơn định mức 8, 18 tỷ đồng so với suất đầu tư của Bộ Xây dựng, đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách một số tiền rất lớn!
Là cán bộ cấp tướng, trụ sở “đại bản doanh” ở Hà Nội nhưng ông không chịu “ngồi nhà” mà thường xuyên lặn lội khắp nẻo rừng biên cương. Mười mấy ngàn cây số, nhiều đoạn bao năm không dấu chân người vậy mà ông thuộc vanh vách, nhớ từng đồn, từng con suối, cây cầu. Có ngày, ông đi kiểm tra qua 3-4 tỉnh, xe chạy tới hơn 700 cây số. Có hôm, xe bị lạc đường, không để mất “chữ tín” với địa phương, ông cho xe chạy thẳng, nhịn bữa trưa để bước vào cuộc họp ngay. Cuộc họp kết thúc vào lúc 15 giờ, chúng tôi và ông mới ra thị trấn ăn tạm bát mì ăn liền lót dạ. Là tướng “cầm quân” các doanh nghiệp, nhưng ông sống rất giản dị, không ham nhậu nhẹt. Dường như thú vui lớn nhất của ông chỉ là làm việc, đọc sách và... làm thơ để chỉ đạo công việc.
Thời ở Trường Sa, rau quý như vàng, ông mang ra được vài củ su hào nhưng thấy anh em bị đi kiết, ốm yếu, thương quá, ông đành nhịn để nhường cho anh em. Thấy anh nào yếu quá, chờ đến đêm ông gọi vào phòng, cho củ su hào, nhiều người nhận mà chảy nước mắt. Giờ đi kiểm tra các gói thầu, bao giờ ông cũng kiểm tra tỉ mỉ nơi ăn ở, làm việc của công nhân. ông đã có lần phê bình gay gắt đơn vị để công nhân ăn ở trong những cái lán bằng ni lông tạm bợ. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Thượng tướng Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng nói về ông: “Tướng mà như Hoàng Kiền, số ấy không nhiều!”.
Phóng sự của Nguyễn Văn Minh