Sản phẩm theo nghành
Thống kê truy cập
Số người online: 1
Tổng lượt truy cập: 10687
Hỗ trợ bán buôn - 091.3087288
Hỗ trợ kinh doanh - 024.3557.4374 096.4.047 288
Vụ hơn 50 cảnh sát PCCC nhập viện: Chiến thuật đúng nhưng thiếu thiết bị bảo hộ
“Anh em Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Hải Phòng đã có kinh nghiệm chữa cháy phốt pho, đây không phải là vụ đầu tiên. Chiến thuật cũng rất đúng, nhưng trang bị bảo hộ thiếu quá nhiều, dù đáng lẽ bảo hộ cho con người phải được trang bị đầu tiên” – Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh bày tỏ.
 
Có mặt tại Bệnh viện Việt – Tiệp và Bệnh viện Đại học Y dược Hải Phòng thăm hơn 50 cán bộ, chiến sỹ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Hải Phòng bị thương sau vụ chữa cháy phốt pho tại cảng Nam Hải vào ngày 27-11, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an sờ trán từng người, lẩm bẩm: “Vẫn còn sốt”. Đó là ngày thứ 5 kể từ khi vụ cháy kết thúc. 

“Anh em Hải Phòng đã có kinh nghiệm chữa cháy phốt pho, đây không phải là vụ đầu tiên. Chiến thuật cũng rất đúng, nhưng trang bị bảo hộ thiếu quá nhiều, dù đáng lẽ bảo hộ cho con người phải được trang bị đầu tiên” – Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh bày tỏ.
 
“Thiếu quá nhiều” theo Đại tá Phạm Viết Dũng – Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC & CNCH TP Hải Phòng là hơn 300 cán bộ, chiến sỹ chữa cháy với vỏn vẹn 20 bình dưỡng khí và mặt nạ phòng độc, dù “đã huy động trang bị của toàn lực lượng”. 
 
Không chỉ có thế, bình dưỡng khí của mặt nạ phòng độc chỉ hoạt động được 20 phút là hết ô xy, phải mang đi nạp mất 20 – 30 phút, cả Sở cũng chỉ có 2 máy nén khí, nên cùng lúc chỉ có tối đa 7-8 mặt nạ có thể hoạt động. Quần áo bảo hộ lao động bằng vải thường thì đủ, nhưng quần áo phục vụ sát đám cháy, chống nhiệt thì được trang bị khoảng 10%, quần áo phòng chống hoá chất, chống nhiễm xạ thì chưa đến… 1%, tức là cả Sở mới có 3 bộ, trong khi quân trực tiếp chiến đấu là 600 – 700 người, ngoài ra còn quân phục vụ khác thì lên đến 1000 quân.
 
Trang bị thiếu như vậy, nhưng có sự cố xảy ra, anh em vẫn buộc phải làm nhiệm vụ, buộc phải lao vào nguy hiểm, còn những người chỉ huy thì tính… nát nước, làm sao để đảm bảo chữa cháy, nhưng anh em vẫn phải an toàn. 
 
 
Lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH thăm và động viên các chiến sỹ đang điều trị tại bệnh viện.

“Trang bị cho con người phải là trang bị đầu tiên, muốn vào cứu được thì mình phải an toàn, nhưng vì điều kiện khó khăn chung của đất nước cơ số trang bị quá ít, thì cũng phải sử dụng để vào trọng điểm, nhưng trọng điểm cũng không đủ. Đối với những chiến sỹ trực tiếp đi vào khu vực nguy hiểm thì chúng tôi yêu cầu có mặt nạ phòng độc, còn đối với số chiến sỹ ở vòng ngoài thì đeo khẩu trang, nhưng do khói độc phát tán, nên việc đeo khẩu trang không ngăn ngừa được nguy cơ độc hại” – Đại tá Phạm Viết Dũng cho biết. 
 
Đó chính là lý do vì sao nhiều chiến sỹ đã được cấp cứu ngay khi đám cháy đang được cứu chữa. Một số khác sau khi hoàn thành nhiệm vụ bắt đầu cảm thấy khó thở và lập tức được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trong hơn 100 cán bộ, chiến sỹ đã được đưa đi khám bệnh, có hơn 50 người lập tức bị bệnh viện giữ lại điều trị bởi tổn thương đường hô hấp, chỉ số không khí trong phổi giảm nhiều, 1/3 bị thiếu máu cơ tim cục bộ… Bên cạnh đó, 7 người có biểu hiện nặng, trong đó có cả Đại tá Vũ Trọng Thắng – Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy, đã được đưa lên Bệnh viện Việt – Tiệp để theo dõi thêm.
 
Một tuần sau khi vụ cháy được cứu chữa thành công, không có thiệt hại nào đáng kể, nhưng vẫn còn hơn 50 cán bộ, chiến sỹ phải nằm viện, đó không chỉ là nỗi buồn, mà còn là sự trăn trở lớn của lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC & CNCH Hải Phòng cũng như Cục Cảnh sát PCCC & CNCH. Bên cạnh 50 người đó là hàng trăm thân nhân đang lo lắng cho sức khoẻ của con em mình. 
 
Vẻ mặt buồn buồn, bà nội Trung sỹ Đỗ Hoàng Sơn – một trong 7 người bị nặng cho biết: “Cháu vẫn mệt lắm, chưa biết ngày nào xuất viện”. Kể từ hôm cháu vào đây, bà dù đã hơn 80 tuổi vẫn ngày đêm túc trực cùng con dâu. Lo lắng là thế, nhưng khi được hỏi về nguyện vọng, bà vẫn chia sẻ: “Thứ nhất là mong cháu chóng khỏi, còn về đơn vị với anh em. Thứ hai là mong cháu tiếp tục phấn đấu để được gắn bó lâu dài với ngành, với nghề”. Vào Công an là giấc mơ của Sơn từ nhỏ, trải qua cơn nguy hiểm này chưa làm thui chột giấc mơ đó của cả em và gia đình. Nhiều thân nhân chiến sỹ khác cũng cùng chung một tâm nguyện tương tự. 
 
Dù vậy, Đại tá Phạm Viết Dũng – người trực tiếp chỉ huy tác chiến vụ chữa cháy này, không khỏi băn khoăn: “Họp rút kinh nghiệm sau vụ cháy, anh em cũng bày tỏ tâm nguyện được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ. Đặc biệt là thân nhân các em cực kỳ lo lắng. Họ gửi gắm con em cho chúng tôi, là những người chỉ huy tác chiến, có trách nhiệm phải đảm bảo an toàn cho các em, các cháu. Nhưng điều kiện thế này không biết phải làm sao. Trước đây chúng tôi đã 2 lần tổ chức cứu chữa cháy phốt pho, nhưng lần này nguy hiểm hơn do phốt pho bục rơi thẳng xuống sàn tàu, gây lượng khói rất lớn trong hầm hàng, không thể xác định container bị bục là cái nào trong số 20 container đó. Anh em phải vào rà từng cái một để xác định nguồn cháy, dẫn đến tiếp xúc lâu và nhiễm độc.  Chúng tôi đã và đang kiến nghị cấp trên đầu tư thiết bị cho cán bộ chiến sỹ thì mới đảm đương được nhiệm vụ. Đây là việc không thể dùng quyết tâm hay lòng dũng cảm để lao vào. Anh em không an toàn thì không thể đủ sức khoẻ để thực hiện các thao tác tiếp theo, không thể hoàn thành nhiệm vụ được, thậm chí còn dẫn đến thương vong. Chúng tôi đang kiến nghị trước mắt tối thiểu phải đáp ứng trang bị cho 50-60% số cán bộ chiến sỹ”.
 
Vũ Hân
Tin bài liên quan
Loading...