Vụ nhân viên sân golf Hà Nội ngừng việc: Cty lập bản cam kết “lạ”
Liên quan vụ việc hơn 150 nhân viên sân golf Hà Nội ngừng việc đòi tăng lương (Báo Lao Động đã thông tin), các nhân viên caddy đã cung cấp cho phóng viên bản cam kết “lạ” đề ngày 2.5, tức vào thời điểm vụ ngừng việc tập thể này đang xảy ra.
Theo một bản cam kết mà phóng viên thu thập được, một bên là chữ ký của ông Nguyễn Văn Nam – Quyền giám đốc Cty sân golf Hà Nội, một bên là chữ ký của nhân viên caddy. Theo đó, bản cam kết nhân viên caddy gửi Ban lãnh đạo Cty Cổ phần sân Golf Hà Nội có nội dung: "Qua quá trình học tập, rèn luyện đạt được kết quả cao, tôi đã được Cty nhận vào làm việc chính thức tại Cty. Tôi xin hứa sẽ làm việc chăm chỉ, luôn rèn luyện mình để trở thành một nhân viên caddy ngày một tốt hơn cả về phẩm chất đạo đức lẫn thể chất.
Tôi xin cam kết nghiêm chỉnh thực hiện những điều sau: Nghiêm chỉnh chấp hành những nội quy, quy định của Cty; chấp hành mọi sự chỉ đạo và phân công công việc của cán bộ quản lý; đi làm đầy đủ đúng giờ, không làm việc riêng khi đang trong giờ làm việc; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại nơi làm việc, không nói tục chửi bậy; luôn đoàn kết trong công việc, đoàn kết giúp đỡ các đồng nghiệp; không tụ tập, chia bè phái, kích động gây rối làm ảnh hưởng tới Cty; mọi đề xuất hay những yêu cầu cần phải có sự đồng ý, xác nhận của cán bộ quản lý".
Điều đáng chú ý nhất trong bản cam kết này là điều 8: “Tôi tự nguyện và đồng ý nhận mức lương là 2.000.000 đồng/tháng. Tiền Fee (tiền công đi sân, 50.000đ/lần) và Tip (tiền khách tặng) của khách tôi toàn quyền được hưởng”.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, bản cam kết mà Cty soạn ra để NLĐ ký không đúng pháp luật, bởi mặc dù nguyên tắc của pháp luật lao động là tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện giữa hai bên, nhưng không được trái pháp luật. Trong khi đó, mức lương 2 triệu đồng/người/tháng là vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho huyện Sóc Sơn là 3.750.000 đồng/người/tháng.
Theo các nhân viên caddy, bản cam kết này do Cty đưa ra. Một số người đã đồng ý ký, còn hầu hết không ký vào bản cam kết này.
Cũng theo phản ánh của các nhân viên caddy, mức lương 1.280.000 đồng/người/tháng đã duy trì được hơn 10 năm nay, từ lúc Cty đi vào hoạt động (năm 2006).
Liên quan vấn đề Cty trả lương cho NLĐ thấp hơn gấp nhiều lần so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn – Ngô Văn Minh khẳng định, đây là việc làm trái với quy định của pháp luật lao động hiện mức lương tối thiểu vùng 1 của Sóc Sơn là 3.750.000đ/người/tháng. Do vậy, khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Sóc Sơn làm việc với Cty vào ngày 5.5 tới, LĐLĐ huyện sẽ phối hợp với phòng LĐTBXH yêu cầu Cty phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, cụ thể là mức lương tối thiểu vùng, đóng bảo hiểm, thời gian làm việc,
bảo hộ lao động… để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
“Quan điểm của cá nhân tôi là Cty phải thực hiện đúng theo quy định Luật Lao động. Cùng đó, trong quá trình chờ đợi các quyết định của Cty thì NLĐ nên tiếp tục đi làm để đảm bảo cuộc sống và không ảnh hưởng đến các hoạt động của Cty”, ông Minh nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương như thế nào khi mà hơn 10 năm nay DN trả lương cho NLĐ với mức lương chỉ 1.280.000đ/người/tháng?
Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng nay (4.5), các nhân viên cady tiếp tục tập trung tại khu vực trước cổng sân golf Hà Nội để chờ đợi vụ việc được giải quyết.
Lao Động tiếp tục phán ánh vụ việc này.