Chiều 29-9, chúng tôi trở lại khoa Cấp cứu BV Đa khoa Bạc Liêu để thăm những người bị nạn. Chú Nguyễn Hoàng Nô, cha của nạn nhân Nguyễn Văn Ngọc, thất thần nói chú có ba người con nhưng Ngọc là con trai duy nhất, lại là lao động chính trong nhà. Cho đến nay thì Ngọc và anh Tâm là nạn nhân bị nặng nhất, vẫn đang hôn mê và khó có khả năng phục hồi. Mẹ Ngọc ba ngày nay gần như không còn biết làm gì ngoài việc ngồi trước khoa Cấp cứu mà khóc. Người nhà không ai dám cho bà vào nhìn Ngọc, cứ mỗi lần thấy anh là bà nấc lên, ngất xỉu nên gia đình và các bác sĩ bắt bà phải ở ngoài. Gia đình Ngọc có đến hai người gặp nạn trong vụ ngạt khí. Dù vẫn trong tình trạng nguy kịch nhưng Ngọc vẫn may mắn hơn anh Tăng Thanh - người anh rể đã tử vong.
Đều là hộ nghèo
Ông Nguyễn Quang Đạt, Phó Chủ tịch xã Long Điền Đông, cho biết trong ba trường hợp bị nạn của xã Long Điền Đông đều là hộ nghèo nhưng trường hợp của anh Thanh là khổ nhất. Vợ anh Tăng Thanh là chị Nguyễn Thị Diệu, chị ruột của Ngọc, đang lo hậu sự cho chồng tại nhà (ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải). Tang chồng ập đến, rồi tình trạng em trai chưa biết sống chết thế nào, tình cảnh này thật quá sức chịu đựng với chị. Gia đình chị Diệu thuộc diện hộ nghèo, hai đứa con một trai, một gái vẫn còn đang tuổi đi học, kinh tế không có gì ngoài tiền công bốc vác hằng ngày của anh Thanh. Nhà nghèo, không ruộng đất, may nhờ chính quyền xét cho cất được căn nhà theo diện 167 hồi năm ngoái nên hiện giờ mẹ con chị cũng có chỗ ăn ngủ tương đối ổn định. Nhưng giờ ngoài căn nhà trống trước hụt sau, không còn người đàn ông trụ cột trong nhà, những ngày sắp tới mẹ con chị chẳng biết sẽ xoay xở ra sao.
Chị Nguyễn Hồng Chi đang chăm sóc chồng (anh Phạm Hữu Thành Tâm - ngư phủ - người bị nạn khi nhảy xuống hầm cứu những công nhân bốc vác) tại khoa Cấp cứu.
Rời gia đình chị Diệu, chúng tôi sang ấp 4, thị trấn Giá Rai tìm nhà của nạn nhân Sơn Văn Bảo, trong lúc gia đình đang làm đám tang cho anh. Lâu nay hai vợ chồng ở đậu nhà một người bà con để đi làm thuê. Khi anh chết, vợ anh mới dắt đứa con trai năm tuổi đưa xác anh về quê nhà ở ấp 4, thị trấn Giá Rai. Cũng che rạp làm đám nhưng anh Bảo đi xa xứ đã lâu nên đám tang chỉ có vài người quen cũ đến chia buồn, quang cảnh lạnh lẽo vô cùng. Chỉ hai mẹ con lo vào ra hương khói. Con trai của họ, cháu Sơn Bảo An bị bệnh tim bẩm sinh nhưng vì gia cảnh nghèo khó, chưa có tiền chữa trị. Chị Lùn (vợ anh Bảo) nói: “Ảnh nói ráng làm vài năm kiếm tiền đưa con đi trị bệnh, chưa kịp thì ảnh chết rồi”. Khi chúng tôi từ giã ra về, cháu An còn quá ngây thơ nên cứ lon ton chạy theo hỏi: “Chú có thấy cha con không, sao cha con lại nằm trong đó vậy?”. Nhìn cảnh mẹ góa con côi, anh đồng nghiệp đi cùng tôi cũng phải quay đi che những giọt nước mắt đang chực trào ra.
Anh ngư dân tốt bụng
Trong ba nạn nhân hôn mê sâu có một người là ngư dân đánh cá - anh Phạm Hữu Thành Tâm. Anh Tâm và anh Thanh chính là hai người đã nhảy xuống hầm để cứu người. Gặp chị Chi (vợ anh Tâm) tại khoa Cấp cứu BV Bạc Liêu, chị kể vợ chồng chị sinh sống ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Anh quê gốc ở Kiên Giang nên đã theo nghề biển từ lúc còn trẻ, đến giờ đã hơn chục năm. Chị và ba đứa con nhỏ đều sống nhờ vào tiền công lao động của anh sau mỗi chuyến ra khơi. Trong vụ tai nạn này, các ngư dân trên tàu không tham gia bốc dỡ cá (vì chủ ghe đã thuê công nhân bốc vác từ cảng cá) nhưng vì thấy người bị nạn, anh Tâm đã nhảy xuống cứu và cũng bị nạn.
Vào bệnh viện chăm sóc chồng, chị Chi mang theo cả đứa con trai út chưa giáp thôi nôi vì chẳng biết gửi ai. Lăng xăng ở khoa Cấp cứu, thấy không thể vừa lo cho chồng vừa lo cho con nên chị đành bấm bụng gửi con về quê. Nghĩ tới đứa trẻ khát sữa khóc đòi mẹ hai ngày nay, chị nghẹn ngào: “Tôi ở đây căng sữa mà con ở nhà thì không có sữa bú, thôi đành phó thác cho bà con cô bác ở quê chứ không lo cho ảnh, ảnh có mệnh hệ nào thì mẹ con tôi sao sống nổi”.
Là lao động chính trong gia đình, tuy nghèo khó nhưng anh Tâm không để vợ con đói khổ ngày nào. Hai con lớn đều học rất giỏi, cháu gái học lớp 6 đã sáu năm liền là học sinh giỏi. Trước khi đi, anh còn dặn dò vợ để anh đi thêm vài chuyến nữa rồi mượn tiền chủ ghe sửa lại căn nhà ọp ẹp chuẩn bị ăn tết. Thấy chị không rời giường bệnh của chồng nửa bước, chúng tôi hiểu sự sống của anh quan trọng với chị, với gia đình biết dường nào.
Nghề “nghèo tận cùng, khổ tới bến”
Chưa bao giờ ở cảng cá Gành Hào lại bao trùm màu tang thương như thế. Người ta bàng hoàng vì có quá nhiều người chết và bị thương. Trong đoàn đi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi có một nữ kiểm sát viên. Chia sẻ về những cảm nhận của mình, chị nói: “Nhìn những chiếc tàu cá trọng tải lớn, nhìn những công nhân bốc vác chui xuống hầm tàu nồng nặc, tanh hôi đủ thứ mùi để bốc vác đưa cá lên bờ mà xót xa cho những kiếp người lam lũ vì miếng cơm manh áo. Họ phải đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm tiềm ẩn…”.
Trên những chiếc tàu trọng tải lớn như tàu KG 93870, mỗi hầm tàu sâu hun hút, đứng từ trên cúi nhìn xuống thôi mà đã muốn chóng mặt. Những công nhân bốc vác tại cảng cá này mỗi khi tàu cập bến phải làm việc hết sức khẩn trương, nhiều khi cật lực từ tờ mờ sáng đến tận lúc tắt ánh mặt trời. Đây không phải là lần đầu tiên có người chết dưới hầm cá do ngạt nhưng có lẽ là lần có nhiều người chết nhất từ trước tới nay ở cảng cá Gành Hào. Khi được hỏi về công việc bốc vác ở cảng cá, từ thân nhân của người bị nạn cho đến những người đã sống nhiều năm bằng nghề biển đều có chung câu trả lời: “Nghèo tận cùng, khổ tới bến”. Vì nếu không nghèo, không khổ thì sẽ không ai đi chọn làm công việc này./.