Xét xử vụ cháy quán karaoke: Bị cáo "học mót" nghề hàn xì từ người khác
Là người trực tiếp gây ra vụ cháy, bị cáo Tuấn khai từng thi vào Đại học nhưng không đỗ, thời điểm xin vào làm hàn xì cũng không hề có chứng chỉ. Bị cáo biết làm nghề này là do “học mót” của người khác.
Ngày 26/3, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử đối với các bị cáo Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) - chủ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Lê Thị Thì (56 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, quê quán xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Các bị cáo tại tòa (Ảnh Thành Long).
Quá trình đưa vụ án ra xét xử, sau khi được nghe VKS công bố bản cáo trạng truy tố về hành vi vi phạm pháp luật của mình, các bị cáo cúi đầu lặng thinh, mãi sau bị cáo Tuấn mới lí nhí: “Bị cáo không có ý kiến gì về tội danh mà cáo trạng của VKS đã quy kết”.
Tại tòa, bị cáo Tuấn khai từng thi vào Đại học nhưng không đỗ, cũng không có chứng chỉ hàn điện, nhưng thời điểm xin vào làm tại cửa hàng của Thì vào tháng 9/2016, Thì cũng không hỏi gì về việc Tuấn có chứng chỉ hay không. Khi được hỏi vì sao Thì biết hàn xì, bị cáo khai “học mót” nghề từ những người khác.
Cũng theo lời khai của bị cáo Tuấn, ngày 1/11/2016, khi được Thì điều đến quán karaoke 68 Trần Thái Tông, bị cáo chỉ biết đến đó chứ không biết sẽ làm gì. Tuy nhiên, bị cáo có mang theo máy hàn và que hàn, máy cắt sắt. Ngoài ra không có vật dụng gì khác đảm bảo an toàn trong công việc. Thì là người trao đổi về công việc với hai người quản lý quán và Tuấn được biết công việc của mình là hàn sắt và ốp tường.
HĐXX hỏi tại sao hàn sắt và ốp tường lại phải cắt bản lề, bị cáo Tuấn cho biết vì cửa bị kẹt không mở được nên phải cắt với mục đích tháo cánh cửa ra.
Khi hỏi về vai trò của mình trong vụ án, Tuấn lí nhí khai: “Bị cáo là người trực tiếp gây ra cháy, nhưng mong HĐXX xem xét vì bị cáo chỉ là người làm công ăn lương. Bị cáo được chủ sử dụng lao động trả lương 270.000 đồng/ngày".
Tiếp theo, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Diệu Linh. Bị cáo Linh trả lời HĐXX, nhà số 68 Trần Thái Tông là bị cáo thuê lại từ chủ nhà từ tháng 5/2016 với giá 155 triệu đồng/tháng với mục đích kinh doanh karaoke. Quán đã được cấp GPKD.
Bị cáo thuê thi công từ tháng 7/2016 trước khi hồ sơ Phòng cháy chữa cháy (PCCC) được kiểm duyệt. Cơ quan Cảnh sát PCCC, phòng Cảnh sát PCCC số 3 thẩm duyệt hồ sơ từ 03/10/2016. Trước đó, phòng Cảnh sát PCCC số 3 đã đồng ý cho Linh thi công nhưng không có văn bản đồng ý mà chỉ nói miệng với nhau.
Cơ sở kinh doanh của Linh chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn trong kinh doanh karaoke, hệ thống báo cháy chưa được thử nghiệm, chưa được nghiệm thu, UBND quận Cầu Giấy, phòng Văn hóa thông tin quận có 2 lần đến nhắc nhở và lập biên bản ngày 2 và 17/10/2016.
Công an phường, UBND phường cũng có đến nhắc nhở 2 lần, bị cáo cam đoan là khi đủ điều kiện mới kinh doanh. Bị cáo Linh cũng mếu máo khai, 2 tiếng sau khi cháy, bị cáo mới nhận được thông tin. Bị cáo biết nguyên nhân cháy là do hàn điện ở tầng 2.
Khi xảy ra cháy đến nay, bị cáo Linh khai đã bồi thường mỗi gia đình 10 triệu đồng cho 12 gia đình, còn gia đình nạn nhân Toàn từ chối tất cả các khoản tiền.
Bị cáo Lê Thị Thì khai, bị cáo có phổ biến trước công việc để hai thợ của bị cáo sắp xếp đồ để đi. Vì hai thợ không biết địa chỉ nên bị cáo dẫn đến 68 Trần Thái Tông.
Bị cáo Thì cũng thừa nhận, Tuấn là thợ do mình nhận vào làm, bị cáo cũng không hỏi về chứng chỉ hành nghề của Tuấn. “Ngày 1/11/2016, bị cáo và thợ đến để hàn thanh sắt đỡ tấm trần. Bị cáo là chủ cơ sở chuyên làm khung nhôm kính, ở xưởng của bị cáo đều trang bị
bảo hộ lao động và các dụng cụ an toàn, nhưng bị cáo không biết là Tuấn và Thiện có mang đi hay không”, bị cáo Thì khai.
Tuy vậy, HĐXX cho rằng bị cáo là người đi cùng nên không thể nói là không biết, vì bị cáo là người sử dụng lao động nên phải có trách nhiệm kiểm tra thợ của mình có thực hiện đầy đủ quy định về an toàn PCCC hay không.