Khuôn viên Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro luôn rộn rã, tấp nập bởi có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên (CBCNV) cùng vào làm việc. Những ngày qua, không khí lao động thi đua chào mừng 30 năm Ngày thành lập Xí nghiệp đã "nóng" hơn bao giờ hết. Nhưng có một nơi mà mọi người ít biết tới, đó là Công ty TNHH Công đoàn Dầu khí Việt - Xô.
Đây là một cơ sở chuyên may mặt hàng
bảo hộ lao động, trang thiết bị PCCC, văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng…cung cấp cho Liên doanh Vietsovpetro. Điều đặc biệt, công nhân lao động tại đây có tới 90% là phụ nữ và thường có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Họ là vợ của những người công nhân từng làm việc tại Liên doanh Vietsovpetro đã mất, hoặc bị tai nạn lao động. Lặng lẽ và cần mẫn, họ cũng đang âm thầm thi đua…
Những điều hơn cả nghĩa tình
Với chị Nguyễn Thị Nụ, 40 tuổi thì công việc tại xưởng may đồ bảo hộ lao động tại Công ty TNHH Công đoàn Dầu khí Việt – Xô còn quý hơn vàng. Công việc ấy như một vị cứu tinh xuất hiện giữa lúc cuộc đời của người phụ nữ này bước vào thời kỳ khó khăn nhất. Chị lấy chồng rồi theo chồng từ Hiệp Hòa, Bắc Giang vào Vũng Tàu từ năm 1995, khi trong tay chỉ còn chút tiền ít ỏi, không có nghề nghiệp gì. Chồng chị, anh Trần Quốc Hoàn là công nhân hàn điện thường xuyên làm việc ngoài biển. Chị là người vợ thứ hai của anh Hoàn, người vợ đầu tiên của anh đã mất để lại cho anh hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Lấy chồng, chị Nụ gánh luôn trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ hai con riêng của chồng.
Cuộc sống gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập của anh Hoàn. Chế độ đãi ngộ của Liên doanh Vietsovpetro tốt nên cuộc sống cũng tạm ổn. Hàng ngày, khi các con đi học, chị lại tranh thủ xuống thuyền lấy cá về bán ngoài chợ để kiếm thêm thu nhập.
Nhưng đúng khi đứa con chung của anh chị vừa mới chào đời thì tai họa ập tới. Trong một lần về nghỉ phép, anh Hoàn đã mất sau một tai nạn giao thông trên đường phố Vũng Tàu. Mất đi trụ cột gia đình, chị Nụ cùng ba đứa con bắt đầu thời kỳ chạy ăn từng bữa, bởi thu nhập từ mẹt cá ngoài chợ của chị không thể đủ cho tiền học hành, ăn uống của các con.
Đúng vào thời kỳ khó khăn nhất thì Công đoàn Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro cử người tới nhà thông báo sẽ giúp đỡ chị bằng một công việc làm ổn định. Chị Nụ mừng đến rơi nước mắt. Chị được đưa xuống xưởng may của Công ty TNHH Công đoàn Dầu khí Việt – Xô để học việc. Sau gần 2 tháng học việc, chị được ký hợp đồng lao động. Mức lương ban đầu tuy không cao nhưng đủ để cho chị trang trải cho cuộc sống gia đình.
Trách nhiệm, nghĩa tình của đơn vị Anh hùng lao động
Chúng tôi tới thăm xưởng may của công ty đúng đợt công nhân đang tập trung hoàn thành 30.000 chiếc áo đồng phục chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Tiến độ công việc được đẩy tới mức cao nhất, hơn 40 nữ công nhân đều tập trung vào công việc của mình mà không hề chú ý đến sự có mặt của chúng tôi.
Ngừng tay máy, chị Nguyễn Thị Ánh Thu, 39 tuổi, công nhân may bậc 4 vui vẻ cho biết: “Công việc thời gian này tuy có phần bận rộn hơn nhưng ai cũng thấy vui. Là bởi chúng tôi đang may những chiếc áo mà cả xí nghiệp sẽ mặc trong ngày Đại lễ sắp tới. Trong phong trào thi đua chung của xí nghiệp, chúng tôi cũng muốn góp một phần nhỏ bé của mình”.
Nhìn nụ cười tươi rói trên gương mặt của chị Thu, ít người biết rằng, người phụ nữ ấy có hoàn cảnh gia đình rất éo le. Chị lấy chồng khi đã quá lứa lỡ thì, chữa trị hết bệnh viện này tới bệnh viện khác mới sinh được mụn con. Cứ tưởng hạnh phúc muộn màng ấy sẽ dài mãi nhưng cuối năm 2008, chồng chị, anh Dương Toàn Thắng, công nhân làm việc tại Vietsovpetro đã mất vì tai nạn lao động.
Chị nói: “Công việc vừa giúp tôi có thu nhập, vừa làm nguôi ngoai đi nỗi đau. Ở đây ai cũng có hoàn cảnh khó khăn nên chị em cũng dễ chia sẻ, động viên nhau. Với tiền lương hàng tháng của mình, tôi có thể nuôi con ăn học và phụng dưỡng bố mẹ già. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc”.
Anh Lê Văn Quy, Giám đốc công ty cho biết: “Công ty được thành lập từ năm 2003. Sự ra đời của công ty là một chủ trương rất đúng đắn và mang ý nghĩa to lớn của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và Công đoàn, là một trong rất nhiều việc thể hiện rõ nét về sự quan tâm, chăm lo một cách chu đáo tới mọi mặt của đời sống CBCNV đã và đang làm việc tại Liên doanh Vietsovpetro, đồng thời nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng một số hàng hóa dịch vụ cung cấp cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò khai thác Dầu khí”.
Tuy nhiên, việc tuyển công nhân đầu vào với tiêu chí đầu tiên phải có hoàn cảnh khó khăn làm việc nâng cao trình độ chuyên môn của lao động bị gián đoạn. Theo chị Nguyễn Thị Kim Oanh thì, số lao động nữ chiếm tỉ lệ gần 90%, chủ yếu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên việc nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề, cũng như việc đáp ứng thời gian làm việc còn gặp khó khăn, nhất là khi phải làm thêm giờ hoặc tăng ca để kịp tiến độ các hợp đồng. Bên cạnh đó, trang thiết bị máy móc, nhà xưởng… mặc dù đã được đầu tư tương đối hiện đại nhưng để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đòi hỏi phải thường xuyên đổi mới quy trình công nghệ, kỹ thuật. Hiện nay, việc này vẫn còn những hạn chế nhất định.
Với vai trò của mình, công ty đã và đang thực hiện cung cấp các mặt hàng bảo hộ lao động, đồng phục công sở, thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm… cho các đơn vị như Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, Công ty Dầu khí Đại Hùng, Nhà máy Đạm phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Công ty Điện Lực Dầu khí Long Phú – Sông Hậu. Bên cạnh đó, công ty cũng đang thực hiện việc mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh sang các ngành nghề mới, từng bước mở rộng thị phần, xây dựng thương hiệu trên thị trường. Hiện nay, mỗi năm công ty sản xuất bình quân khoảng 20.000 bộ quần áo và 300.000 đôi găng tay bảo hộ lao động cung cấp cho Liên doanh Vietsovpetro và thị trường bên ngoài. Ngoài ra, công ty còn sản xuất mặt hàng đồng phục công sở, quần áo thể thao với chất lượng và mẫu mã ngày càng được nâng cao. Doanh thu và lợi nhuận của công ty hàng năm đều tăng khoảng 20%, thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhìn những người phụ nữ mặc đồng phục, đeo khẩu trang đang khẩn trương làm việc trong xưởng may thì ít ai có thể nghĩ rằng không ít người đã từng gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Và nhờ Xí nghiệp, họ đã có công việc ổn định, có thu nhập khá. Việc tạo ra công ăn, việc làm cho chính người thân của những CBCNV trong Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro gặp rủi ro trong lao động không những giúp gia đình họ vượt qua khó khăn mà còn thể hiện tình người, trách nhiệm xã hội của mình với người lao động, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lao động, là cánh chim đầu đàn của ngành Dầu khí Việt Nam.